Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Một số vấn đề lao động việc làm và an sinh xã hội đặt ra từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước

Ngày đăng: 21/05/2025   11:30
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn và yêu cầu tất yếu khách quan đối với đất nước ta. Bài viết phân tích thực trạng và định hướng về bố trí việc làm sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, qua đó đề xuất một số giải pháp đảm bảo lao động việc làm và hướng tới chính sách an sinh xã hội bền vững đối với cán bộ, công chức chịu sự tác động của việc sắp xếp này.

Từ khóa: An sinh xã hội; lao động việc làm; sắp xếp tổ chức bộ máy.

1. Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước - yêu cầu tất yếu khách quan trong một xã hội phát triển

Theo số liệu của các cơ quan có thẩm quyền, quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước cho thấy có tới 20% số cơ quan và đơn vị có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như ở các lĩnh vực như quản lý tài nguyên và môi trường, thanh tra, kiểm tra, trong các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã, việc phân định chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi “giẫm chân nhau” trong thực thi công vụ, gây lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động của bộ máy. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước đã hình thành, tồn tại trong khoảng thời gian khá dài, vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa được xác định rõ ràng, cụ thể dẫn đến chồng chéo công việc và biên chế ngày càng tăng, làm cho bộ máy khá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả(1).

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả không chỉ đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu tổ chức, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ mà còn phải loại bỏ tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, cũng như các vị trí việc làm chồng chéo, kém hiệu quả. Đây trước hết là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức quản lý, từ chỗ coi trọng số lượng sang tập trung vào chất lượng và hiệu quả công việc. Xác định cụ thể, rõ ràng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan hành chính nhà nước, nhu cầu nhân lực cho các vị trí việc làm, từ đó có thể kiểm soát được công việc và kết quả làm việc của đội ngũ này, loại bỏ những người không đủ năng lực, phẩm chất, làm việc kém hiệu quả, thay vào đó là những người có năng lực, phẩm chất, làm việc có hiệu quả hơn.

 Trước bối cảnh công nghệ số đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống xã hội thì các cơ quan hành chính nhà nước cũng có khả năng áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... và hệ thống quản lý hành chính điện tử, từ đó tự động hóa nhiều khâu trong quy trình làm việc, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến quy trình làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

2. Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp ý chí, nguyện vọng của Nhân dân

Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và cũng là yêu cầu tất yếu đối với một xã hội phát triển ở trình độ cao. Bộ máy quản lý nhà nước trong một xã hội phát triển ở trình độ cao đòi hỏi phải tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và các bộ phận trực thuộc, nhiệm vụ và vị trí việc làm cụ thể của từng cán bộ, công chức, viên chức. Các hoạt động quản lý phải theo một quy trình được nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp với tình hình thực tiễn. Từng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở vị trí việc làm của mình phải xác định được các công việc, kết quả hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công thực hiện trong từng tháng, từng quý và hàng năm.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước cần phải tạo được sự đồng thuận xã hội và là mong muốn của đại đa số người dân. Mặc dù vẫn còn một phận người dân bị ảnh hưởng tới việc làm, lợi ích, đặc biệt là các cá nhân liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tuy nhiên trong số đó rất nhiều người sẵn sàng chuyển đổi vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước ta được sự đồng thuận xã hội rất cao, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

3. Tác động ban đầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước và giải pháp chính sách

Đánh giá tác động toàn diện của việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy cần phải có thời gian, phương pháp đánh giá khoa học.  Tuy vậy, có thể đánh giá tác động dự kiến trên một số phương diện đã bộc lộ, ảnh hưởng mà chúng ta có thể nhận thấy được. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng về công tác tổ chức và cán bộ, không những tác động rất lớn đến nhận thức, tư duy đổi mới sáng tạo, việc làm, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn tác động đến nhận thức và tư duy của toàn xã hội, cách thức phối hợp tổ chức hoạt động kinh doanh của những người buôn bán, kinh doanh nhỏ.

Tổng hợp từ các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, đa phần những người bị ảnh hưởng trực tiếp về lợi ích của việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy có thái độ ủng hộ, nhưng cũng có những người tỏ ra phân vân, hoài nghi về tính bền vững của cuộc cách mạng này, cũng có cá nhân tỏ ra lo lắng, chưa yên tâm về vị trí việc làm của mình; một số người tự nguyện rời khỏi bộ máy, song vẫn không tránh khỏi sự hẫng hụt về tâm lý... Xét về tâm lý, tình cảm thì những biểu hiện đó là rất bình thường của mỗi con người, tuy nhiên về mặt quản lý thì Chính phủ cần có chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh xã hội cho những người tự nguyện nghỉ việc, cũng như tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội, ổn định lòng dân. Đào tạo, đào tạo lại sẽ góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ thích ứng với môi trường, điều kiện làm việc mới, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động hàng ngày.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay đã giảm được 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ, hiện còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ. Tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được điều chỉnh, tinh gọn đáng kể, cụ thể đã giảm được 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỷ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm 77,6%), giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,9%), giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm 91,7%). Tính đến giữa tháng 3/2025, cả nước đã giảm được 22.323 biên chế, tương đương 20% tổng thể biên chế(2). Các số liệu thống kê này cho thấy đây là thực sự là cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy và bước đầu đã đạt được kết quả rất quan trọng. Kết quả này cũng là sự nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức cần phải thường xuyên học tập, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong bộ máy hành chính nhà nước.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước cũng khiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý lo lắng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc trong giai đoạn đầu của các cơ quan được sắp xếp lại, hợp nhất, sáp nhập. Vì vậy, bảo đảm ổn định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công tới mọi người dân theo quy trình đơn giản, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là điều mong đợi chính đáng của Nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần công khai, minh bạch quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết từng loại công việc trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm thiểu chi phí đi lại, chờ đợi khi tiếp cận dịch vụ hành chính công của người dân và doanh nghiệp, tổ chức.

Về tiết kiệm chi ngân sách trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chi phí hành chính cho các cơ quan sau sắp xếp lại, hợp nhất, sáp nhập: ước tính nguồn kinh phí tiết kiệm được sau khi sắp xếp lại các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả vào khoảng 5-6 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nguồn kinh phí này có thể bù đắp được một phần chi phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế và chính sách miễn học phí cho học sinh các trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông.

4. Vấn đề lao động việc làm sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước

Đi đâu, về đâu, làm gì để tiếp tục ổn định cuộc sống là câu hỏi quan trọng đối với những người rời khỏi các cơ quan nhà nước được tổ chức, sắp xếp lại. Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai quyết liệt việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp(3). Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách lao động việc làm đối với những người thuộc diện dôi dư, còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc và các giải pháp về hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo sau khi hoàn thành việc sắp xếp.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy rất nhiều người ở độ tuổi 55-70 vẫn tham gia hoạt động kinh tế, tự tạo việc làm, khởi nghiệp thành công và còn đóng vai trò tạo việc làm mới cho xã hội. Việt Nam cũng cần tận dụng nguồn nhân lực sau sắp xếp ở độ tuổi này vì họ có trình độ, có kinh nghiệm, có nguồn vốn. Điều quan trọng là khơi dậy trong họ ý thức tiếp tục làm việc trong môi trường mới và tạo điều kiện để họ thực hiện những ý tưởng đó một cách phù hợp.

5. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là điều chưa từng có trong lịch sử, không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị, sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội, mà còn được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính phủ cũng đã đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bằng chính sách an sinh xã hội thỏa đáng để họ không bị thiệt thòi, hẫng hụt về thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp đó là Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Một số địa phương cũng có chính sách hỗ trợ bổ sung cho những người này để tạo những điều kiện tốt nhất có thể, giúp họ tự tin bước vào tìm kiếm việc làm trong môi trường mới.

Chính sách hiện hành về cơ bản đã bảo đảm an sinh cho những người nghỉ hưu trước tuổi khi họ rời khỏi bộ máy của hệ thống chính trị, nhưng làm thế nào để giúp họ quản lý và sử dụng có hiệu quả khoản tiền hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi là vấn đề đặt ra tiếp theo. Một xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao thì con người không chỉ dựa vào khoản tiền bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước, mà phải đảm bảo cuộc sống thông qua việc làm phù hợp, đó mới là cách tồn tại bền vững dựa trên sức lực và trí tuệ của chính họ. Do đó, cần tuyên truyền về ý thức tự bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân và tạo điều kiện để họ thực hiện ý tưởng tự bảo đảm an sinh xã hội, đây là giải pháp quan trọng và lâu dài(4).

Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD vào năm 2024(5) và với đà tăng trưởng kinh tế khoảng trên 7%/năm, trong khoảng 10 năm tới thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên khoảng 9.000- 10.000 USD. Như  vậy, có thể dẫn đến chênh lệch lớn về thu nhập giữa những người tiếp tục làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với những người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc và không tìm được việc làm phù hợp, do đó cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp chính sách phù hợp, hiệu quả./.

Ghi chú:

(1) Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(2) Bộ Nội vụ, Báo cáo số 102/BC-BNV ngày 22/4/2022 về việc phương án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(3) Bộ Nội vụ, Báo cáo số 8677/BC-BNV ngày 31/12/2024 về tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

(4) Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

(5) Chính phủ, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 10/01/2025 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024.

TS Nguyễn Hải Hữu
Nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội 
 

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Cao Bằng triển khai xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày đăng 18/06/2025
Từ 161 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (08 phường, 14 thị trấn, 139 xã), tỉnh Cao Bằng thống nhất sẽ giảm 105 đơn vị hành chính cấp xã (05 phường, 100 xã, thị trấn), để còn lại 56 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 53 xã, 03 phường. Đây là bước đi mạnh mẽ hướng tới một bộ máy chính quyền tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương

Ngày đăng 18/06/2025
Sáng 18/6/2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Cùng tham dự buổi làm việc còn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Hải Phòng: Công tác nhân sự phải được thực hiện chặt chẽ, khách quan và chọn đúng người, đúng việc

Ngày đăng 18/06/2025
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025; Kết luận số 130 KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, xác định công tác sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khối lượng công việc lớn, phức tạp; để đảm bảo thời gian triển khai thực hiện, UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương đã khẩn trương và quyết liệt thực hiện việc sắp xếp. Ngày 12/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025, theo đó cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 28 tỉnh và 06 thành phố. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Sau khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 3.194,72 km2, quy mô dân số là 4.664.124 người.

Kon Tum nỗ lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 18/06/2025
Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo phương châm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thời gian qua, cùng với việc chuẩn bị cho việc sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi, cấp ủy và chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo hướng cân đối, hài hòa hơn cả về quy mô diện tích và dân số, bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, địa hình, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hải Phòng sẽ có cơ chế và chính sách đặc thù sau sáp nhập xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày đăng 17/06/2025
Ngày 12/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (96,44% tổng số đại biểu Quốc hội) đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Quốc hội đã quyết nghị sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Sau khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 3.194,72km2, quy mô dân số là 4.664.124 người.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.