Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: một trong những nhiệm vụ của người đảng viên là:“tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Theo đó, việc tuyên truyền tư tưởng, đường lối của Đảng cho người thân trong gia đình là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của mỗi đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tuy nhiên trên thực tế, việc tuyên truyền tư tưởng, đường lối chính trị cho người thân trong gia đình không phải lúc nào cũng đơn giản, dễ dàng và có thể nhiều đảng viên trong Đảng ta còn chưa thực sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Bài viết sau đây sẽ tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh công tác tuyên truyền, giáo dục và đấu tranh tư tưởng trong mỗi gia đình của người đảng viên cộng sản.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, cũng chính là một hạt nhân của “thế trận lòng dân”, là “pháo đài” vững chắc đầu tiên trong mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, nên hiển nhiên sẽ có những đóng góp then chốt trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể được truyền bá và phát triển mạnh mẽ, bền bỉ thông qua các mối quan hệ trong gia đình. Trong bài thơ “Một nhành xuân” (tác phẩm kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), nhà thơ – nhà cách mạng Tố Hữu viết: “Mẹ của con! Hơi ấm những ngày/ Thuở bé thơ, mẹ hằng chăm chút/ Con sẽ đem cho những em côi cút/ Cho những ai khao khát tình thương/ Cho những ai vất vưởng, thiếu quê hương/ Cùng ngọn lửa của niềm tin, hy vọng…” Ta nhận thấy, gia đình chính là gốc rễ hình thành nên nhận thức sơ khai về lẽ sống, niềm tin và lý tưởng đấu tranh cho một người cộng sản chân chính. Ngay từ khi mới chỉ là một đứa trẻ, nhờ tình cảm và những lời dạy bảo ân cần của ông bà, cha mẹ, mỗi người chúng ta đều đã nhận thức được: phải biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, phải biết đoàn kết, yêu thương và có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Những điều hay lẽ phải ấy vừa là truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, vừa là những giá trị cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Tư tưởng của Đảng đã trở thành những giọt nước mát lành ngấm dần vào gốc rễ của cây non từ thuở ban đầu như thế.
Gia đình tiếp tục là một lớp học lý tưởng, lâu dài để giáo dục hiệu quả về lịch sử và truyền thống cách mạng. Những câu chuyện, những tâm sự, chia sẻ của ông bà, cha mẹ đã cần mẫn bồi đắp cho thế hệ sau các kiến thức về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để từ đó hình thành nên sự trân trọng và tin tưởng bền vững: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì/ Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha/ Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bo bo là gì/ Chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ/ Chuyện của cha tôi/ Là những giấc mơ dở dang/ Là xếp bút nghiên chiến đấu/ Vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người/ Chuyện của mẹ tôi/ Là cất tiếng ca cho đời/ Là đến những nơi xa xôi/ Với những con người cài ngôi sao vàng trên mũ…” (trích lời bài hát Lá cờ của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng).
Các thế hệ sau trong gia đình sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những di sản tốt đẹp mà cha ông để lại, góp phần bảo vệ và lan tỏa nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng sâu rộng, vững chắc và bền lâu. Không chỉ là tấm gương, là ngọn lửa hun đúc ý chí và nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ, gia đình còn là một kênh thông tin và phản biện hữu ích về tư tưởng, đường lối chính trị; là nơi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền đạt, thảo luận, góp ý trong không khí gần gũi, chân tình nhưng cũng không kém phần sôi nổi.
Những ý kiến phản hồi từ gia đình có thể giúp đảng viên và tổ chức Đảng có được cái nhìn đa chiều hơn, sâu sắc hơn về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để từ đó có sự đánh giá và điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp, bám sát mục tiêu phục vụ lợi ích nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Một khi nhân dân đã tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thì đó là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao độ của nhân dân về hệ tư tưởng của Đảng chính là một “phòng tuyến” kiên cố tột bậc mà không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, chia rẽ và phá hoại được.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, tuyên truyền và thảo luận về chính trị, tư tưởng trong gia đình vừa là môi trường bồi dưỡng phẩm chất cách mạng cho thế hệ trẻ, vừa là phương tiện giám sát và phản biện cần thiết, giúp Đảng ta ngày càng hoàn thiện, củng cố niềm tin trong nhân dân. Hoạt động tuyên truyền và thảo luận về chính trị, tư tưởng trong gia đình chính là giải pháp hữu ích nhằm thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Phân tích một mối quan hệ tình thân trong gia đình Việt Nam để làm cơ sở định hướng cho công tác tuyền truyền, giáo dục tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng
Trong gia đình có nhiều mối quan hệ tình thân khác nhau, tiêu biểu như: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ anh, chị, em. Mặc dù giữa các mối quan hệ gia đình có sự khác nhau về nền tảng, vai trò, tính chất và mức độ ảnh hưởng, song về bản chất, tất cả đều dựa trên tình yêu thương, sự quan tâm và gắn bó lâu dài, thường là suốt cuộc đời mỗi con người. Đó cũng chính là yếu tốt cốt lõi, là nền tảng tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu, tin tưởng, sẻ chia và ảnh hưởng lẫn nhau về đạo đức, lối sống giữa các thành viên trong gia đình. Không chỉ về phương diện tình cảm, cảm xúc, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình còn được thể hiện thông qua trách nhiệm và nghĩa vụ: cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, con cái có trách nhiệm kính trọng, biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ và giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình, vợ chồng có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, anh chị em có trách nhiệm yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Qua hàng ngàn năm lịch sử, những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình Việt đã được gìn giữ và kết tinh thành những giá trị nhân văn, cao thượng, đặc sắc của nền văn hóa nước nhà, là động lực tinh thần to lớn góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Phân tích cụ thể về lý luận và thực tiễn của các mối quan hệ gia đình giúp chúng ta xây dựng định hướng phù hợp cho công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng trong mỗi gia đình đảng viên.
Chúng ta đi vào phân tích đơn cử mối quan hệ anh chị em trong gia đình. Nói về mối quan hệ gia đình này, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều biết đến “Nổi gió” (1966, đạo diễn: NSND Huy Thành) – một trong những tác phẩm kinh điển nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim đã khai thác và tái hiện một vấn đề thời sự nổi bật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là nhiều gia đình có anh chị em thuộc hai bên chiến tuyến, người đi theo cách mạng, người lại phục vụ chế độ cộng hòa, làm tay sai cho giặc. Chuyện phim kể về hai chị em ruột là Vân và Phương, chị Vân là chiến sĩ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn em trai Phương lại là một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Bằng lý lẽ, hành động và tình cảm kiên định, chân thành, Vân đã thuyết phục được em trai và nhiều binh lính của quân đội Cộng hòa đổi chiến tuyến sang Mặt trận Giải phóng, đấu tranh cho độc lập, hòa bình.
Cảnh trong phim “Nổi gió”. Ảnh: hanoimoi.vn |
Phân đoạn ấn tượng thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ tâm lý của nhân vật trung úy Phương giữa lằn ranh chiến tuyến là khi Phương nói chuyện với chị Vân trong bệnh viện, sau khi chị bị kẻ thù tra tấn dã man. Phương hỏi: “Chị Hai, chị là cộng sản à?”. Chị Vân trả lời: “Cộng sản, đó là niềm hy vọng của bao nhiêu người, trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, hai tiếng thiêng liêng đó như có một sức mạnh lạ kỳ. Em, em không thể nào hiểu nổi đâu”. Phương cầm bàn tay đầy thương tích của chị, xúc động nói: “Chỉ nhìn chị, em cũng đủ hiểu”.
Chúng ta nhận thấy, Phương (và có thể còn nhiều binh lính Cộng hòa khác) vốn dĩ không phải là kẻ ác ôn, tàn bạo, mà là người có học thức, có lòng trắc ẩn, nhưng lầm đường lạc lối. Chính tình cảm ruột thịt và nhiệt thành cách mạng của người chị gái là nhân tố cốt yếu giúp anh ta tỉnh ngộ, quay về với ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, về trong vòng tay người thân, đồng bào. Có thể lý giải hiện thực này thông qua phân tích mối quan hệ anh chị em điển hình trong gia đình.
Anh, chị, em ruột có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của nhau. Mối quan hệ này là một trong những mối quan hệ bền chặt và lâu dài nhất trong cuộc đời mỗi người, chỉ sau mối quan hệ với cha mẹ. Sự ảnh hưởng được diễn ra một cách tự nhiên và đa dạng.
Anh chị lớn là hình mẫu được những người em nhìn vào để học hỏi về hành vi, thái độ, cách ứng xử và cả sở thích. Chính vì vậy, dù ở thời đại nào, một người anh, chị có đạo đức cách mạng chân chính, tốt đẹp đều có thể trở thành tấm gương sáng, giáo dục hiệu quả cho những người em. Anh chị lớn cũng thường chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập và các mối quan hệ với em mình, giúp em tránh được những sai lầm và học hỏi trên đường đời nhanh hơn. Trong “Nổi gió”, có thể nói trung úy Phương khá may mắn khi có một người chị là chiến sĩ cách mạng ưu tú và dũng cảm như chị Vân, sự tuyên truyền, vận động quý giá của chị đã giúp anh sớm thức tỉnh trước khi sa lầy vào tội lỗi. Ngày nay, trong gia đình, cha mẹ, anh chị cũng cần phải là những người có trách nhiệm định hướng cho con em mình - đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận, sàng lọc và đánh giá thông tin, giúp họ nâng cao khả năng nhận diện, phân biệt thật giả, đúng sai và tăng cường “sức đề kháng” trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, những âm mưu “diễn biến hòa bình” nham hiểm hòng chống phá cách mạng, lật đổ chính quyền nhân dân.
Tình cảm anh chị em cũng rèn luyện cho mỗi người sự đồng cảm và thấu hiểu. Thông qua chứng kiến và chia sẻ những khó khăn, thử thách với anh chị em, mỗi người sẽ phát triển được sự đồng cảm và khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác. Chúng ta có thể thấy, trong “Nổi gió”, khi trung úy Phương chứng kiến những khổ đau, mất mát mà chiến tranh gây ra cho chị mình, anh đã dần thấu hiểu được nỗi đau của bà con, làng xóm và đất nước, để từ đó, nhận diện được đúng kẻ thù và lựa chọn cho mình một lý tưởng chính trị đúng đắn. Trong bối cảnh ngày nay, sự thấu hiểu và đồng cảm giữa anh chị em ruột thịt cũng giúp công tác tuyên truyền, vận động trong gia đình được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Tình cảm anh chị em cũng giúp mỗi người học cách bảo vệ và được bảo vệ. Bởi lẽ, mối quan hệ anh chị em thường bao gồm cả sự bảo vệ và che chở lẫn nhau, đặc biệt là khi còn nhỏ. Điều này giúp hình thành lòng trắc ẩn và tinh thần đồng đội. Trong “Nổi gió”, chúng ta đánh giá cao hành động Phương kiên quyết tiêu diệt tên cố vấn Mỹ gian ác để bảo vệ chị mình. Nhưng ngược lại, chính chị Vân cũng đã thành công trong việc bảo vệ em trai mình trước sự tha hóa và bất lương đang trực chờ nuốt chửng nhân cách. Ở thời nào cũng vậy, con người ta luôn dũng cảm vượt qua mọi gian nguy, chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ những người mà mình yêu thương. Ngày nay, chúng ta đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động là để bảo vệ đất nước, nhưng cũng chính là để bảo vệ gia đình, người thân của mỗi chúng ta. Khi thấy anh chị em của mình bị phần tử phản động truyền bá, tiêm nhiễm luận điệu xuyên tạc hoặc lôi kéo, xúi giục tham gia chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật, chúng ta có bổn phận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của bọn chúng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng chính là bảo vệ anh chị em - những người thân yêu, ruột thịt của chúng ta.
Tình cảm anh chị em còn là nơi tin cậy cho ta sự chấp nhận và thuộc về. Anh chị em là những người đầu tiên chấp nhận và yêu thương chúng ta ngoài cha mẹ. Sự ủng hộ và tình cảm từ họ có thể củng cố sự tự tin và cảm giác thuộc về. Trong cảnh cuối của “Nổi gió”, Phương cúi xuống vốc nước lên rửa mặt trên dòng sông quê chan hòa ánh nắng, trong tiếng cổ vũ của nhân dân và nụ cười trìu mến của người chị. Hành động đó giống như Phương gột rửa phần đời lầm lạc, sai trái trước kia và được người chị chấp nhận, điều đó hẳn là niềm động viên to lớn đối với anh, cho anh cảm giác hoàn lương thực sự và tự tin chiến đấu, hy sinh cho chính nghĩa dân tộc trên chặng đường đời tiếp theo. Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày nay, chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ và chấp nhận sự trở về của những người em, người cháu, người con đã từng lầm lỡ đi theo con đường phản động, chống phá chế độ, nếu họ thực sự biết hối cải và quay đầu. Gia đình cần mở rộng vòng tay đón họ trở về, cải tạo họ thành người có ích cho xã hội, điều đó là hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo lý của nhân dân ta: “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, đồng thời phù hợp với tấm lòng vị tha, nhân ái, bao dung luôn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt Nam.
Câu chuyện chị em Vân – Phương trong “Nổi gió” thực chất là một lát cắt chân thực, sinh động về công tác binh vận trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vốn dĩ là một bộ phận quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng các hoạt động tuyên truyền, vận động, giác ngộ, công tác binh vận của Đảng ta đã tác động trực tiếp đến binh lính, sĩ quan của quân đội đối phương, làm lung lay ý chí chiến đấu, gây mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến đào ngũ hoặc chống đối mệnh lệnh, thậm chí quay trở lại hàng ngũ cách mạng. Binh vận là một mặt trận đặc biệt, không tiếng súng nhưng có vai trò to lớn trong việc làm tan rã hàng ngũ địch, góp công không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Thực tế đã ghi nhận nhờ công tác binh vận, nhiều quân nhân của chế độ Cộng hòa đã thức tỉnh, đổi chiến tuyến và có những đóng góp nhất định cho cách mạng, tiêu biểu có thể kể đến như: Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn On…
Thiết nghĩ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày nay cũng không khác nhiều so với công tác binh vận trong thời kỳ kháng chiến, bởi trọng tâm đều là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, nhằm xây dựng nhận thức đúng đắn về tư tưởng, đường lối chính trị cho con người. Để làm tốt các công tác này, chúng ta đều phải tạo dựng một “thế trận lòng dân” vững chắc, trong đó, tình cảm gia đình là một nhân tố đóng vai trò then chốt, không thể bỏ qua. Thông qua phân tích một mối quan hệ gia đình điển hình trong công tác binh vận thời kháng chiến, đó là mối quan hệ anh chị em một nhà phải đứng ở hai đầu chiến tuyến, chúng ta có thể so sánh, đối chiếu và rút ra những bài học mang tính định hướng hữu ích cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay.
Bên cạnh tình cảm anh chị em, thì tình cảm cha mẹ - con cái, tình cảm ông bà, cô chú bác với các cháu, tình cảm vợ chồng… đều có những đặc trưng riêng về lý luận, thực tiễn và đều là một phần của “thế trận lòng dân” hình thành trong mỗi gia đình Việt. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp những thành viên trong cùng một gia đình đều là những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, có nhiều công lao với đất nước, đơn cử như gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, vợ chồng chị Út Tịch, cha con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh... cùng vô vàn những tấm gương khác. Đó là nhờ “thế trận lòng dân” và nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ và phát triển vững chắc, bền bỉ trong mỗi gia đình Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, cũng thật buồn là còn tồn tại trường hợp những con người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước, lại rắp tâm đi theo con đường chống phá đất nước như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Lân Thắng… thể hiện đúng lời than phiền của các cụ ta từ xa xưa: “dao sắc không gọt được chuôi”.
Thiết nghĩ, Đảng ta cần có kế hoạch và định hướng thật tốt cho công tác tuyên truyền, giáo dục trong chính gia đình của mỗi đảng viên, nhằm mở rộng và củng cố hơn nữa “thế trận lòng dân”, “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho người thân trong chính gia đình mình: tưởng dễ mà không hề dễ, cần cả sự minh triết và khéo léo
Để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đường lối của Đảng cho chính những người thân trong gia đình, chúng ta nên lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, cần tạo không gian cởi mở để trò chuyện: chúng ta cần bắt đầu bằng việc lắng nghe quan điểm của các thành viên trong gia đình về các vấn đề chính trị, xã hội, tránh thái độ áp đặt, phê phán hoặc bác bỏ ngay lập tức, cần thể hiện sự tôn trọng nhất định đối với ý kiến của họ, ngay cả khi ta không đồng ý. Chúng ta cũng cần chọn thời điểm thích hợp, đó là những thời điểm thoải mái, thư giãn trong gia đình để trò chuyện, chẳng hạn như bữa cơm tối, buổi xem phim hoặc những hoạt động chung khác, không nên biến cuộc trò chuyện thành một buổi “lên lớp” khô khan. Thay vì giảng giải, chúng ta nên đặt những câu hỏi gợi mở để khơi gợi sự suy nghĩ và thảo luận từ các thành viên. Ví dụ: “Theo con/anh/chị, điều gì là quan trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước?”, “Mình nghĩ sao về những thay đổi gần đây trong xã hội?”…
Thứ hai, chúng ta cần chia sẻ thông tin một cách dễ hiểu và gần gũi: hãy liên hệ với thực tế cuộc sống, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng thông qua những ví dụ cụ thể, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của gia đình, hãy chỉ ra những tác động tích cực mà các chính sách đó mang lại hoặc hướng đến. Chúng ta cũng nên sử dụng ngôn ngữ phù hợp, tránh dùng các thuật ngữ chính trị khô khan, khó hiểu, hãy diễn đạt một cách đơn giản, dễ tiếp thu, phù hợp với trình độ và mối quan tâm của từng thành viên. Chúng ta nên kể cho thành viên trong gia đình mình những câu chuyện ý nghĩa, đó là chuyện về các tấm gương đảng viên tiêu biểu, những người có đóng góp tích cực cho xã hội, ví dụ như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… hoặc những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, những câu chuyện này có thể truyền cảm hứng và tạo sự đồng cảm. Chúng ta hãy cùng gia đình mình tìm hiểu thông tin, khuyến khích các thành viên cùng nhau đọc báo, xem tin tức chính thống hoặc tìm hiểu các tài liệu về Đảng và Nhà nước một cách chủ động, rồi cùng họ thảo luận về những thông tin đó.
Thứ ba, là đảng viên, chúng ta cần phải thể hiện vai trò gương mẫu ngay trong gia đình mình: Cách tốt nhất để tuyên truyền, giáo dục và vận động là thông qua hành động thực tế của bản thân, hãy thể hiện sự gương mẫu trong công việc, cuộc sống, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, kiên định phương châm “đã nói là làm”. Chúng ta nên kể cho gia đình nghe về những việc tốt mà mình đã làm, những đóng góp dù nhỏ bé của mình vào tập thể, cộng đồng, điều này sẽ giúp các thành viên gia đình cảm nhận được những giá trị tích cực mà tư tưởng, đường lối của Đảng hướng đến. Đồng thời hãy luôn thể hiện sự lạc quan và tin tưởng, hãy truyền tải niềm tin lớn lao vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai của đất nước, thái độ tích cực của ta sẽ có sức lan tỏa đến những người xung quanh.
Thứ tư, chúng ta cần phải kiên nhẫn và tôn trọng sự khác biệt: tuyên truyền, vận động, thuyết phục là một quá trình cần thời gian và sự kiên nhẫn, không nên cố gắng ép buộc các thành viên trong gia đình phải thay đổi quan điểm ngay lập tức. Cần thừa nhận rằng, mỗi người có một quá trình nhận thức và hệ giá trị riêng, vì vậy chúng ta cần tôn trọng những khác biệt trong quan điểm và không cố gắng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Chúng ta hãy cố gắng tìm ra điểm chung với những thành viên gia đình có tư tưởng chính trị khác biệt với mình, tập trung vào những giá trị chung mà gia đình cùng chia sẻ, chẳng hạn như tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, để từ đó kết nối với những tư tưởng, đường lối đúng đắn, tốt đẹp của Đảng.
Kết luận:
Mọi sự tuyên truyền, thuyết phục sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi sự chân thành và tình yêu thương thực sự đối với gia đình và đất nước. Trong gia đình, mỗi đảng viên trước hết hãy là một người thân, đừng cố gắng trở thành một “cán bộ tuyên huấn”, bởi vì mục tiêu của việc tuyên truyền, thảo luận về chính trị, tư tưởng trong gia đình là chia sẻ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, không phải là áp đặt và gây căng thẳng, mỗi đảng viên hãy luôn ghi nhớ phương châm mà Bác Hồ đã dạy: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”. Bằng sự kiên trì, khéo léo và tình yêu thương, mỗi đảng viên có thể trở thành một tuyên truyền viên tích cực giúp lan tỏa mạnh mẽ những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ngay trong chính gia đình mình. Mỗi gia đình Việt Nam hòa thuận, yêu thương sẽ là nơi chúng ta tìm thấy sự ủng hộ, sẻ chia và sức mạnh tinh thần để vững vàng trước những thông tin tiêu cực, độc hại, góp phần xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới./.
Nguyễn Thành Trung
Chi bộ Kỹ thuật, Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(Bài dự thi Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
lần thứ Năm, năm 2025)
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục