Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Đổi mới chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu nhân lực thời đại phát triển trí tuệ nhân tạo

Ngày đăng: 30/05/2025   15:21
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 dưới góc nhìn chuyển đổi số và sự chuyển dịch nhu cầu nhân lực trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), bài viết tập trung làm rõ những đổi mới trong quy chế tuyển sinh, ảnh hưởng của công nghệ đến cách thức tổ chức thi, xét tuyển và yêu cầu đặt ra trong việc đảm bảo công bằng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Qua đó, đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách tuyển sinh phù hợp với xu thế chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Từ khóa: Chuyển đổi số; tuyển sinh; trí tuệ nhân tạo; 2025.

Abstract: Based on an analysis of university and college admission policies in 2025 from the perspective of digital transformation and shifting workforce demands in the era of artificial intelligence (AI), this article focuses on clarifying the innovations in admission regulations, the impact of technology on examination and selection methods, and the emerging requirements for ensuring fairness, efficiency, and responsiveness to labor market needs. Accordingly, it proposes several recommendations to improve admission policies in line with digital transformation trends and the development of the national human resource strategy.

Key words: Digital transformation; admission; artificial intelligence; 2025.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng không chỉ là một hoạt động thường niên của ngành giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, năng lực và sự thích ứng của nguồn nhân lực ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, việc đổi mới cơ chế, phương thức và chính sách tuyển sinh không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đại học mà còn là công cụ điều tiết và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

1. Bối cảnh mới và yêu cầu đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025

1.1. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và thị trường lao động

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ với làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và tự động hóa đã và đang trở thành những yếu tố cốt lõi làm thay đổi sâu sắc diện mạo của nền kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực. Theo đó, công nghệ không chỉ tác động đến cách thức con người làm việc, dần thay thế con người trong nhiều công việc lặp đi lặp lại và mở ra nhiều triển vọng phát triển mới cho nhiều ngành nghề. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số đang mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội.

Trên trang World Economic Forum, Báo cáo Tương lai việc làm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới có khoảng 170 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong thập kỷ này (trong 05 năm tới). Báo cáo cũng chỉ ra thị trường lao động toàn cầu đang được định hình lại bởi sự tác động của công nghệ, quá trình chuyển đổi xanh, những sự thay đổi về kinh tế và nhân khẩu học. Dựa trên số liệu của các công ty được khảo sát với dữ liệu việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế, báo cáo liệt kê ra 15 ngành nghề có mức tăng trưởng và suy giảm ròng nhiều nhất (đứng đầu danh sách nhóm tăng là: công nhân nông nghiêp, tài xế xe tải và dịch vụ giao hàng, nhà phát triển phần mềm và ứng dụng; đứng đầu nhóm giảm là: nhân viên thu ngân và nhân viên bán lẻ, trợ lý hành chính và thư ký điều hành, người chăm sóc toà nhà và quản gia)(1).

Một nghiên cứu được đưa ra bởi Khoa Quản lý Desautels, Đại học McGill (Desautels Faculty of Management, McGill University) có hai khả năng AI tác động đến công việc: đầu tiên AI có thể thay thế công việc của con người, bên cạnh đó các hệ thống AI vẫn cần con người để phát triển chúng, xử lý các trường hợp không theo quy trình, cung cấp sự tiếp xúc của con người và theo dõi các lỗi; các công nghệ mới cũng có thể tạo ra các công việc hoàn toàn mới. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trong khi 60% tất cả các công việc có ít nhất một nhiệm vụ có thể tự động hoá thì chỉ có 5% trong số đó bị đe doạ bởi tự động hoá hoàn toàn. Việc được giải phóng một phần ra khỏi quá trình lao động sẽ thu hút người lao động vào quá trình phát triển, áp dụng và triển khai công nghệ để tạo ra các hệ thống thiết thực, sáng tạo và hiệu quả hơn(2).

Để hiện thực hoá được các lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số thì yếu tố con người, cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò quyết định. Quá trình này không thể thành công nếu thiếu người lao động có kỹ năng công nghệ, tư duy số, khả năng học hỏi liên tục và tinh thần đổi mới sáng tạo. Quá trình này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tái đào tạo, nâng cao kỹ năng, tổ chức lại hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng linh hoạt, mở rộng, gắn chặt với thực tiễn.

1.2 Tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) đến nội dung thi và tuyển sinh năm 2025

Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020 -2021 đã tạo ra bước ngoặt lớn về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học ở bậc trung học phổ thông.    

Với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học theo hướng linh hoạt hơn, theo từng nhóm môn mà thí sinh đã lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, hình thức và nội dung các môn thi cũng có khả năng đánh giá khách quan, toàn diện và khả năng phân hoá trình độ của thí sinh. Các trường đại học chủ động trong việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời cân nhắc tổ chức các kỳ thi riêng hoặc áp dụng các phương thức đánh giá phù hợp hơn với năng lực người học. Việc triển khai chương trình phổ thông mới đặt ra nhiều thách thức buộc các trường phải điều chỉnh đề án tuyển sinh để phù hợp với cấu trúc chương trình, xác định rõ yêu cầu về kiến thức đầu vào cho từng ngành học (vì các thí sinh không đồng đều về kiến thức do mỗi học sinh được học theo các tổ hợp môn riêng biệt).

1.3. Yêu cầu đổi mới công tác tuyển sinh

Gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, bước đầu đạt được một số thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế - xã hội của nước ta chưa thật sự vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường văn hoá - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa trở thành một trong những trụ cột để phát triển nhanh và bền vững. Sự phát triển và biến đổi của thế giới đem lại cho đất nước ta nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Để bảo đảm phát triển bền vững, đất nước ta phải không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của công nghệ, thiên nhiên và xã hội. Đổi mới nền giáo dục Việt Nam đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi đó, công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2024 đã có nhiều điều chỉnh theo hướng tăng tự chủ, minh bạch và thích ứng với yêu cầu hội nhập thể hiện ở một số điểm: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo đa dạng hoá các hình thức tuyển sinh, phát triển hệ thống tuyển sinh trực tuyến thống nhất toàn quốc.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn còn những hạn chế như: thiếu đồng bộ dữ liệu học tập, quy trình xét tuyển giữa các trường và hệ thống quản lý chung của Bộ gây bất tiện cho thí sinh và ảnh hưởng tới tính minh bạch của quá trình tuyển sinh; chưa có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển, thiếu công cụ và phương pháp so sánh(3); sự bất bình đẳng vùng miền (ưu tiên chứng chỉ tiếng nước ngoài); chưa có cơ chế giám sát hiệu quả của phương thức tuyển sinh sớm (gọi trúng tuyển số lượng lớn nhưng tỷ lệ nhập học lại thấp, ảnh hưởng tới công tác giảng dạy phổ thông); các phương thức xét tuyển quá đa dạng và phức tạp gây nhầm lẫn cho thí sinh và khó khăn trong quản lý(4).

2. Những thay đổi trong chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025

2.1. Những thay đổi trong chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về phương thức xét tuyển: năm 2025 thí sinh có cơ hội tăng khả năng trúng tuyển và lựa chọn những môn thi tự chọn phù hợp năng khiếu và sở trường của mình. So với năm 2024, Bộ bỏ bớt 04 phương thức (có thể có sự chủ quan trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) như: xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác để xét tuyển; kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác để xét tuyển. Bên cạnh đó, để tiếp cận với trình độ nhân lực quốc tế, Bộ tăng thêm 03 phương thức xét tuyển như: sử dụng chứng chỉ quốc tế SAT; kỳ thi V-SAT; sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển. Tổng các phương thức xét tuyển là 19. Bộ không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển mà chỉ yêu cầu có Toán, Ngữ văn với trọng số tối thiểu 25% trong tổng điểm, lấy kết quả cả năm học lớp 12. Các trường đại học phải quy đổi điểm giữa các phương thức về cùng một thang điểm để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Việc quy đổi thành một thang đo giúp các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển, tránh được độ lệch điểm của các phương thức khi xét tuyển.

Các thức xét tuyển: Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định bỏ xét tuyển sớm, tất cả các phương thức xét tuyển đều thực hiện sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Các thí sinh được tuyển thẳng được cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách lên hệ thống để xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung.

Quy định chất lượng đầu vào (điểm sàn môn thi nền tảng): yêu cầu các tổ hợp môn và bài thi độc lập phải được xây dựng một cách khoa học, áp dụng vào giải quyết vấn đề thực tiễn, phân hóa và lựa chọn được thí sinh có kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi phù hợp với chương trình đào tạo chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo phải có quy định tỉ lệ môn (ít nhất 03 môn), điểm tối thiểu trong phần nội dung cốt lõi (liên quan tới ngành học) trong tổng điểm thi các môn trong tổ hợp xét tuyển. Thí sinh phải đạt ở mức này trở lên mới đạt được điểm trúng tuyển (có ngoại lệ cho một số ngành đặc thù). Số điểm cộng, ưu tiên không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm. Từ năm 2025, các thí sinh sẽ chỉ thi 04 môn, bao gồm 02 môn thi (Ngữ văn, Toán) bắt buộc và 02 môn thi tự chọn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Cấu trúc đề thi trắc nghiệm có 03 phần: trắc nghiệm nhiều lựa chọn (mỗi phương án được 0,25 điểm), trắc nghiệm dạng đúng sai (mỗi câu hỏi có 04 ý, mỗi ý đúng lần lượt được 0,1 - 0,25 - 0,5 - 1 điểm, sai ý đầu sẽ không có điểm ý sau), trắc nghiệm trả lời ngắn. Với cách ra đề này sẽ đánh giá thực chất trình độ, kỹ năng và tư duy của thí sinh. Nội dung kiến thức các môn bám sát chương trình giáo dục phổ thông lớp 12, riêng môn Ngữ văn, đề thi sẽ không sử dụng ngữ liệu trực tiếp từ sách giáo khoa mà thay vào đó là các văn bản ngoài sách, nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và tư duy phản biện của thí sinh.

2.2. Các ngành mới mở trong năm tuyển sinh 2025

Trong năm tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học và cao đẳng đã mở thêm nhiều ngành nghề mới đáp nhu cầu phát triển đất nước như: năng lượng mới (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), logistics mới (vận hành Metri, sân bay, đường cao tốc…)(5), các ngành đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, ứng dụng AI (khoa học dữ liệu, an toàn thông tin, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (định hướng thiết kế vi mạch), Công nghệ vật liệu - Vi điện tử, kỹ thuật hình ảnh y học, công nghệ tài chính, vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), phân tích tài chính, công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu, kinh doanh số, điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, kỹ thuật máy bay không người lái, Robotics…(6).

2.3. Ứng dụng chuyển đổi số trong tuyển sinh

Năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh để nâng cao chất lượng đầu vào và giảm gánh nặng cho thí sinh. Các thí sinh sẽ đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tốt nghiệp onlien theo đường link https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/. Các thí sinh tự do có thể đăng nhập vào VneID hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia để đăng ký dự thi. Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tại đường link: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/. Bộ cung cấp cổng thông tin đăng ký xét tuyển và các cơ sở đào tạo tải thông tin từ hệ thống chung về để phục vụ công tác tuyển sinh.

Tất cả thông tin trúng tuyển tại các cơ sở đào tạo được chuyển về hệ thống xét tuyển chung của Bộ, được tiến hành lọc ảo để xác định thí sinh trúng tuyển theo thứ tự các nguyện vọng. Các cơ sở đào tạo xây dựng các phần mền xét tuyển riêng để thực hiện xét tuyển. Các cơ sở đào tạo thực hiện tư vấn tuyển sinh thông qua các kênh báo, đài và đặc biệt phát triển cổng thông tin tuyển sinh trên website. Các cơ sở đào tạo đã áp dụng chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh giúp thí sinh thực hiện tất cả các thao tác online (nộp hồ sơ xét học bạ trực tuyến đăng ký xét tuyển theo phương thức riêng, nộp lệ phí xét tuyển, thu hồ sơ nhập học, đóng học phí…). Các cơ sở đào tạo công bố quy chế tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.

3. Một số khó khăn của thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025

 Năm 2025 là thời điểm đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng đến lớp 12, đặt ra nhiều thách thức cho học sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Quá trình chuyển đổi có thể tạo nên khoảng trống trong việc định hướng học tập và lựa chọn nghề nghiệp. Một số em còn thiếu hiểu biết đầy đủ về việc lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 dẫn đến có em chọn lựa theo phong trào, nhóm bạn hoặc định hướng từ phụ huynh khiến các em gặp khó khăn xét tuyển đại học do tổ hợp môn không tương thích với ngành nghề mong muốn.

Bên cạnh đó, việc phải tham gia nhiều kỳ thi như đánh giá năng lực hoặc tư duy, với cấu trúc và yêu cầu khác nhau buộc học sinh phải đầu tư thêm thời gian và công sức cho việc ôn tập, tăng gánh nặng tài chính và tâm lý. Hiện nay, có quá nhiều trường đại học, học viện cùng đào tạo một ngành hoặc chương trình với tên gọi tương tự nhau, dẫn đến sự lúng túng trong việc lựa chọn nguyện vọng của thí sinh. Việc phân biệt sự khác nhau trong chương trình đào tạo của các trường, chương trình chất lượng cao, chuẩn quốc tế hay liên kết với nước ngoài còn mơ hồ đối với học sinh phổ thông. Điều này khiến cho việc xác định nguyện vọng của học sinh bị ảnh hưởng bởi thương hiệu, mức độ học phí, vị trí địa lý và định kiến xã hội. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều các ngành nghề đào tạo mới liên quan tới trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dữ liệu lớn với thông tin về ngành nghề “ổn định”, “lương cao”, “ngành hót” có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh mặc dù năng lực bản thân không phù hợp.

4. Kiến nghị hoàn thiện chính sách tuyển sinh trong kỷ nguyên số

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về tuyển sinh trong môi trường số, đồng thời ban hành hướng dẫn kỹ thuật nhằm bảo đảm tính hợp pháp, công bằng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thứ hai, phát triển cơ sở dữ liệu giáo dục đồng bộ, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lao động, việc làm, từ đó hỗ trợ xây dựng chính sách tuyển sinh dựa trên dữ liệu.

Thứ ba, xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá độc lập về tuyển sinh, công khai các chỉ số về chất lượng đào tạo như tỷ lệ tốt nghiệp, việc làm sau tốt nghiệp, mức thu nhập trung bình của sinh viên sau khi ra trường; cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các trương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Thứ tư, phát triển nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin tuyển sinh chính thống, có khả năng tích hợp các công cụ AI để tư vấn hướng nghiệp, cá nhân hóa lựa chọn ngành nghề.

Thứ năm, khuyến khích hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong xây dựng hệ sinh thái dữ liệu tuyển sinh - hướng nghiệp, bảo đảm cập nhật và phản ánh sát thực tiễn thị trường lao động.

Những đổi mới trong chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 không chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình xét tuyển, mà còn là bước chuyển mình mang tính chiến lược của ngành giáo dục nhằm thích ứng với xu thế chuyển đổi số toàn diện và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc tích cực ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, tổ chức và đánh giá tuyển sinh không những góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng, mà còn giúp phát hiện và phát huy đúng tiềm năng của từng thí sinh - điều vốn bị giới hạn trong các phương thức truyền thống. Trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh mẽ, ưu tiên những kỹ năng số, năng lực thích ứng và tư duy sáng tạo, thì việc đổi mới chính sách tuyển sinh cũng chính là bước đầu tiên, có tính định hướng trong hành trình đào tạo nguồn nhân chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và xã hội số. Từ một hoạt động vốn mang tính thủ tục, tuyển sinh giờ đây đang trở thành một khâu quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Với tầm nhìn xa và sự quyết liệt trong triển khai, chính sách tuyển sinh năm 2025 sẽ là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục đại học năng động, hiện đại và hội nhập, góp phần đưa Việt Nam vững bước trên hành trình trở thành quốc gia số trong tương lai gần.

Ghi chú:

(1) https://www.weforum.org/stories/2025/01/future-of-jobs-report-2025-jobs-of-the-future-and-the-skills-you-need-to-get-them/.

(2) https://intelligence.weforum.org/topics/a1Gb0000000pTDREA2/key-issues/a1Gb00000017LD8EAM

(3) https://moet.gov.vn/thong-ke/pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=9210&utm_source=chatgpt.com.

(4) https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/89582/211/cong-tac-tuyen-sinh-dai-hoc-duy-tri-on-dinh-huong-toi-hieu-qua-va-cong-bang/?utm_source=chatgpt.com

(5) https://khoahocphothong.vn/cac-truong-dai-hoc-mo-loat-nganh-moi-dap-ung-xu-the-thi-truong-259087.html.

(6) https://muctim.tuoitre.vn/nhung-nganh-hoc-moi-tai-cac-dai-hoc-truong-dai-hoc-nam-2025-101250221163350276.htm?utm_source=chatgpt.com.

ThS Nguyễn Thị Kim Chung
Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

 

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Quản trị nhân lực tại các bệnh viện công lập ở Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0: cơ hội và thách thức

Ngày đăng 13/06/2025
Tóm tắt: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang tạo ra những biến đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế Việt Nam. Hệ thống bệnh viện công lập đang chịu áp lực lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới quản trị nhân lực, lấy con người làm trung tâm và công nghệ làm động lực. Nghiên cứu này phân tích cơ hội và thách thức của công tác quản trị nhân lực trong bệnh viện công lập và đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.  

Kinh nghiệm lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên từ năm 2020 đến nay

Ngày đăng 11/06/2025
Tóm tắt: Công tác giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Thực tiễn đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ để tiếp tục có những định hướng mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Từ khóa: Công tác giáo dục và đào tạo; Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; kinh nghiệm lãnh đạo.

Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học công an nhân dân hiện nay

Ngày đăng 16/05/2025
Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục và đào tạo ở các học viện, trường đại học công an nhân dân. Bài viết phản ánh thực trạng và rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học công an nhân dân hiện nay, qua đó tiếp tục có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới. 

Đổi mới hình thức giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày đăng 09/05/2025
Tóm tắt: Giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam là hoạt động quan trọng, tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của quân nhân. Vì vậy, việc đổi mới hình thức giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.   

Ứng dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ vào đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ

Ngày đăng 08/05/2025
Tóm tắt: Trong lộ trình đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, ngoại ngữ trở thành cầu nối để nước ta có thể hiện thực hoá các mục tiêu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, phương pháp dạy và học ngoại ngữ ở nước ta hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập dẫn đến chất lượng đào tạo và ứng dụng ngoại ngữ trong môi trường thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng các thành tựu đó để đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ là vấn đề tất yếu khách quan, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.