Tóm tắt: Thời gian qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động đồng bào Khmer và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Từ khóa: Đồng bào Khmer; Tỉnh ủy Sóc Trăng; vận động.
Abstract: In recent years, the Soc Trang Provincial Party Committee has consistently prioritized and effectively directed efforts to mobilize and support the Khmer ethnic community, achieving significant results that have contributed to political and social stability, strengthened national defense and security, maintained public order and safety, and gradually improved the living standards of the Khmer people. However, alongside these achievements, the mobilization work still faces certain limitations that require comprehensive solutions to enhance its effectiveness in the coming period.
Keywords: Khmer ethnic community; Soc Trang Provincial Party Committee; mobilization.
1. Thực trạng lãnh đạo công tác vận động đồng bào Khmer của Tỉnh ủy Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu nam sông Hậu, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.311,87 km2; dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 64,59%, người Hoa chiếm 5,2%, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 30,18% dân số của tỉnh(1). Đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp hoặc các ngành, nghề liên quan đến nông nghiệp, phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, phân bố đều khắp ở các địa bàn trong tỉnh, đan xen với dân tộc Kinh, Hoa.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã rất chú trọng lãnh đạo công tác vận động đồng bào Khmer, ban hành nhiều nghị quyết, kết luận có liên quan đến công tác này, như: Kết luận số 37-KL/TU ngày 12/8/2014 về Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 14/02/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 09/7/2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…
Tỉnh ủy Sóc Trăng lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động đồng bào người Khmer thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai nhiều chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng năm, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer tổ chức các lễ, hội truyền thống như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đội Ta, lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo...; đồng thời, tổ chức họp mặt, thành lập các đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các gia đình người Khmer tiêu biểu và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng/năm(2).
Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng tập trung lãnh đạo công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc Khmer. Trong giai đoạn 2018-2023, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã hỗ trợ 257 lượt người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng và xã hội, tiếp đón đồng bào với số tiền 308,4 triệu đồng (1,2 triệu đồng/người/năm); khen thưởng 30 người có uy tín, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước(3).
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn chú trọng xây dựng cấp ủy, đội ngũ cán bộ các cấp ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu vận động đồng bào tham gia tích cực, hiệu quả. Công tác quy hoạch, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc Khmer cũng có những chuyển biến đáng kể. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 5.610 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer (chiếm 21,48%); 02 đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc Khmer; 507 đại biểu người Khmer tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026(4). Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã cử 100 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer tham gia đào tạo sau đại học theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi (cụ thể là Tiểu dự án 2 - Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo đại học và sau đại học thuộc Dự án 5 - Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc(5).
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ tiền điện, cho vay vốn tín dụng ưu đãi, cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, tỷ lệ giải ngân cao, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Sóc Trăng đối với công tác vận động đồng bào Khmer, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer có xu hướng giảm. Nếu như năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã giảm 3.031 hộ nghèo người Khmer (giảm 3,01%) và giảm 1.353 hộ cận nghèo người Khmer (giảm 1,36%) thì đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh giảm trên 4,5%(6). Đến nay, các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Sóc Trăng đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ôtô đến trung tâm xã, 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia, được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế(7). Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã xây dựng được trên 400 công trình trong vùng dân tộc Khmer gồm giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu, bảo dưỡng các công trình phúc lợi xã hội với tổng nguồn vốn trên 327 tỷ đồng(8), đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng đối với công tác vận động đồng bào Khmer vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa chú trọng đúng mức trong lãnh đạo công tác vận động đồng bào Khmer, vì vậy hiệu quả có mặt chưa đạt yêu cầu. Việc xác định chủ trương, xây dựng, ban hành các nghị quyết, kết luận về công tác dân vận, trong đó có vận động đồng bào Khmer của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng có lúc, có nơi còn chung chung, chưa cụ thể. Việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác vận động đồng bào Khmer đôi lúc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác vận động đồng bào Khmer chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Một số cán bộ làm công tác dân vận chưa sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình ở một số địa phương chưa thật sâu sát, chưa kịp thời và chưa đúng đối tượng. Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng đồng bào Khmer chỉ biết trông chờ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mang lại, không tự phấn đấu vươn lên.
2. Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng đối với công tác vận động đồng bào Khmer
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Sóc Trăng về sự cần thiết phải tăng cường công tác vận động đồng bào Khmer.
Để nâng cao hiệu quả công tác vận động đồng bào Khmer, Tỉnh ủy Sóc Trăng cần chú trọng xây dựng, ban hành các nghị quyết, quyết định… về công tác dân vận, trong đó chú trọng công tác vận động đồng bào Khmer. Đặc biệt, đảng ủy cấp xã nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống là lực lượng lãnh đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung về công tác vận động đồng bào Khmer trong xác định nghị quyết của Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Thời gian tới, Tỉnh ủy Sóc Trăng cần đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị…, vận dụng phù hợp, hiệu quả trong công tác vận động đồng bào Khmer ở địa phương.
Hai là, tăng cường lãnh đạo công tác vận động đồng bào Khmer phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu công cuộc đổi mới.
Tỉnh ủy Sóc Trăng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cấp xã quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ… Trên cơ sở đó, đi sâu quán triệt những nội dung về phát triển kinh tế - xã hội để vận dụng vào vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đề ra chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và lãnh đạo thực hiện.
Trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước, tỉnh tập trung xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào nơi đây. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer; đồng thời, coi trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế điển hình của đồng bào, đem lại hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Tăng cường ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào Khmer.
Ba là, xây dựng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công tác vận động đồng bào Khmer.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm tham gia xây dựng các nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về công tác dân vận, trong đó có những nội dung về công tác vận động đồng bào Khmer và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cần phát huy trình độ trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, nhất là kinh nghiệm công tác dân vận; đề xuất những giải pháp tăng cường công tác dân vận của Tỉnh ủy, vận động đồng bào Khmer và những đối tượng đặc thù ở địa phương.
Chú trọng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân vận, đặc biệt là công tác vận động đồng bào Khmer. Khuyến khích, động viên các tỉnh ủy viên tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác dân vận, góp phần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao nói chung và công tác vận động đồng bào Khmer nói riêng.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, nhất là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trong tăng cường công tác vận động đồng bào Khmer.
Tỉnh ủy Sóc Trăng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp tục tổ chức thực hiện đạt kết quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt việc tăng cường công tác vận động đồng bào Khmer của Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy và ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy cấp xã phụ trách công tác tuyên giáo, dân vận ở những nơi có đông đồng bào Khmer. Tỉnh ủy Sóc Trăng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo, dân vận của tỉnh thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên giáo, dân vận và vận động đồng bào Khmer, bảo đảm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp xã; các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng ở ấp, phum, srok và những người có uy tín ở địa phương trong công tác vận động đồng bào Khmer.
Đẩy mạnh công tác vận động đồng bào Khmer của chính quyền từ tỉnh đến cấp xã. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chính quyền các cấp trong tỉnh, nhất là chính quyền tỉnh, trước hết cần tập trung xác định và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tôn trọng phong tục tập quán tiến bộ, sự tự hào dân tộc; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào…
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong công tác vận động đồng bào Khmer; coi trọng sự lãnh đạo của cấp ủy cấp xã đối với hoạt động này. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các chi hội chính trị - xã hội (nơi có đông đồng bào Khmer) và các lực lượng tham gia công việc ở ấp, phum, srok, nhất là những người có uy tín ở địa phương trong công tác vận động đồng bào Khmer. Nâng cao chất lượng chi bộ ở các ấp, phum, srok thực sự là lực lượng lãnh đạo, quyết định việc thực hiện có hiệu quả mọi công việc trên địa bàn, trong đó có công tác vận động đồng bào Khmer.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh về công tác vận động đồng bào Khmer.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên về công tác vận động đồng bào Khmer của Tỉnh ủy. Trong đó, chú trọng lựa chọn những vấn đề “nóng”, nổi cộm cần giải quyết, những địa bàn phức tạp về công tác này để trực tiếp tiến hành kiểm tra, giám sát. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy trong công tác kiểm tra, giám sát. Định kỳ tiến hành hoạt động sơ kết, tổng kết công tác vận động đồng bào Khmer. Trên cơ sở đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, có thành tích tốt; mặt khác, chỉ rõ những bài học kinh nghiệm cần khắc phục để công tác vận động đồng bào Khmer được thực hiện đúng trọng tâm, nhiệm vụ đề ra./.
Ghi chú:
(1), (3), (6) Tỉnh ủy Sóc Trăng, Báo cáo số 401 sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 31/8/2023 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, tr.1, tr.11, tr.2.
(2), (4), (7) UBND tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo số 224/BC-UBND ngày 16/8/2023 về kết quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào thiểu số, giai đoạn 2018-2023, tr.13, tr.11, tr.1.
(5) Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, Báo cáo số 270-BC/BTCTU ngày 04/6/2024 về tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng 06 tháng đầu năm; nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024, tr.23.
(8) Nguyễn Du (2025), Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng, https://daidoanket.vn/doi-thay-o-vung-dong-bao-khmer-soc-trang-10302544.html, truy cập ngày 25/4/2025.
PGS. TS Trần Thị Hương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục