Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Quy định số 296-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Ngày đăng: 05/06/2025   10:16
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 30/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Quy định số 296-QĐ/TƯ  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quy định số 296-QĐ/TW ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định trước đây, gồm 7 chương, 35 điều; trong đó, ngoài các chương về quy định chung, tổ chức thực hiện, có các chương về công tác kiểm tra, giám sát; thi hành kỷ luật của Đảng; giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng; đình chỉ sinh hoạt Đảng.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 

Quy định 296 mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ đối với tổ chức đảng và đảng viên đương nhiệm, bao gồm:

- Tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập.

- Đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

- Đảng viên và tổ chức đảng ở nước ngoài cũng nằm trong phạm vi kiểm tra, giám sát.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng năm 2024. Ảnh: TTXVN

Làm rõ các khái niệm, thuật ngữ 

Các thuật ngữ chuyên môn như “kiểm soát tài sản, thu nhập”, “xác minh tài sản, thu nhập”, “thời hiệu xử lý kỷ luật”, “khi có dấu hiệu vi phạm”, v.v... được định nghĩa chi tiết tại Điều 3. Việc này giúp thống nhất nhận thức, tạo thuận lợi trong triển khai và xử lý nghiệp vụ trong toàn hệ thống chính trị.

Ví dụ, khái niệm “khi có dấu hiệu vi phạm” được cụ thể hóa bằng các tiêu chí rõ ràng: “là khi có những thông tin, tài liệu, phản ánh, đối chiếu cho thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên không tuân theo, không làm hoặc làm trái với chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Ủy ban kiểm tra chủ động vào cuộc, thay vì phải chờ đợi chỉ đạo như trước đây.

Bổ sung cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập

Quy định 296 là khẳng định nguyên tắc “Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ “bất kể người đó là ai”.

Một trong những điểm quan trọng là việc quy định chi tiết cơ chế “kiểm soát tài sản, thu nhập”, giao nhiệm vụ này cho Ủy ban kiểm tra từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên. Nội dung kiểm soát bao gồm: Tài sản, thu nhập của đảng viên kê khai và của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản, thu nhập của đảng viên (vợ hoặc chồng, con chưa thành niên).

Cơ chế này góp phần nâng cao minh bạch, phòng ngừa tham nhũng và làm rõ trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên.

Quyền hạn và trách nhiệm cho các chủ thể kiểm tra

Quy định 296 trao quyền chủ động nhiều hơn cho cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp trong việc:

- Chủ động kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, không chờ chỉ đạo.

- Quyết định kiểm tra chuyên đề, kiểm tra thường xuyên.

- Yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin.

- Thực hiện công tác giám sát thường xuyên và đột xuất.

Điều này giúp tăng cường tính chủ động, kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực của công tác kiểm tra, giám sát.

Quy định trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp kiểm tra, giám sát

Quy định 296 cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của:

- Cấp ủy các cấp (Ban Chấp hành, Ban Thường vụ).

- Ủy ban kiểm tra các cấp.

- Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy.

- Chi bộ.

Ví dụ: Chi bộ được giao trách nhiệm kiểm tra đảng viên theo từng nội dung cụ thể; cấp ủy có thẩm quyền kiểm tra, kỷ luật đảng viên do mình quản lý; quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cũng được hướng dẫn rõ ràng.

Quy định kiểm tra tài chính của Đảng

Quy định 296 quy định cụ thể công tác kiểm tra tài chính Đảng, bao gồm:

- Kiểm tra quy định, quyết định tài chính của cấp ủy.

- Kiểm tra hoạt động của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.

- Phối hợp với cơ quan Nhà nước kiểm tra ngân sách do Nhà nước cấp.

Đây là bước đi nhằm tăng cường kỷ luật tài chính trong nội bộ Đảng, góp phần siết chặt kỷ cương và phòng ngừa sai phạm.

Hoàn thiện hệ thống hình thức và thẩm quyền kỷ luật Đảng

Về hình thức kỷ luật:

- Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.

- Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

- Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Về thẩm quyền, Quy định 296 phân cấp rất rõ ràng giữa chi bộ, cấp ủy cơ sở, ban thường vụ cấp trên và các cơ quan cấp cao hơn như Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương. 

Theo đó, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trường hợp cách chức, khai trừ thì báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ), đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhưng không phải là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Đảng.

Quy định 296 nêu rõ:

- Kỷ luật của Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, chậm nhất 5 ngày phải chỉ đạo hoặc đề nghị với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.

- Khi các tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác, hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên (kể cả quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật về hành chính của các cấp chính quyền hoặc bản án, quyết định của tòa án) thì chậm nhất 5 ngày phải chủ động thông báo cho tổ chức Đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.

- Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn. Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

- Khi kỷ luật một tổ chức Đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng. 

Quy định 296 ghi nhận các trường hợp hoãn xử lý kỷ luật hoặc không xử lý như:

- Đảng viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc đang bị bệnh nặng.

- Đảng viên đã qua đời, trừ trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến rất lớn về phương diện nhân văn, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền lợi của đảng viên.

Quy định chi tiết cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp

 Quy định 296 quy định chi tiết về:

- Số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cấp.

- Cách thức tổ chức nhân sự, tiêu chuẩn cán bộ, cơ chế bổ nhiệm, bầu cử, phê chuẩn.

- Quy chế làm việc, chế độ báo cáo, mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với cấp ủy và các cơ quan tham mưu.

Quy định 296 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/5/2025, thay thế một loạt các quy định trước đây do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng, kê khai tài sản.
 

Minh Anh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày đăng 16/06/2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025.

TIN BUỒN: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương từ trần

Ngày đăng 13/06/2025
Đảng ủy Bộ Nội vụ; Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cùng gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Tổng Bí thư: Đổi mới công tác tuyên giáo, dân vận đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Ngày đăng 12/06/2025
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần có lộ trình, bước đi phù hợp, quyết liệt để đổi mới công tác tuyên giáo, dân vận, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đảng ủy xã, phường, đặc khu

Ngày đăng 11/06/2025
Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 299-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đảng ủy xã, phường, đặc khu.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, đặc khu

Ngày đăng 11/06/2025
Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 298-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, đặc khu.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.