Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 theo Tờ trình của Chính phủ

Ngày đăng: 05/06/2025   22:19
Mặc định Cỡ chữ

Chiều 05/6/2025, tại Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 theo Tờ trình của Chính phủ và biểu quyết thông qua về nguyên tắc với 34 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của 34 tỉnh, thành phố mới. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp. Ảnh: QH

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; căn cứ các nguyên tắc, quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, trên cơ sở hiện trạng, định hướng phát triển của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chính phủ xây dựng 23 phương án sắp xếp đối với 52 ĐVHC cấp tỉnh để hình thành 23 ĐVHC cấp tỉnh mới.

Sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 06 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh. Toàn bộ 23/23 ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đã đạt định hướng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15.

Về trình tự, thủ tục, Chính phủ đã phân công các địa phương xây dựng các đề án sắp xếp ĐVHC của từng cặp tỉnh; tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp theo quy định. Kết quả lấy ý kiến nhân dân đạt tỷ lệ đồng thuận cao, trung bình cả nước là 96,19% và 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 52 tỉnh, thành phố đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh của địa phương mình. Bộ Nội vụ đã thẩm định, tổng hợp, xây dựng thành 01 hồ sơ Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025. Chính phủ đã biểu quyết, thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 trình Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đã có phương án, kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng, đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp tỉnh mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung Phiên họp. Ảnh: QH

Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025. Trong tổng số 10.035 ĐVHC cấp xã hiện nay của cả nước, có 9.907 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp và 128 ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên) do đã đạt cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số hoặc có yếu tố đặc thù (vị trí biệt lập) theo quy định của Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng 3.193 phương án sắp xếp 9.907 ĐVHC cấp xã để hình thành 3.193 ĐVHC cấp xã mới, giảm 6.714 đơn vị.

Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã, giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%).

Về trình tự, thủ tục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp theo quy định. Kết quả lấy ý kiến nhân dân đạt tỷ lệ cử tri đồng thuận cao, trung bình cả nước đạt gần 96% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý và 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

Trên cơ sở hồ sơ Đề án của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ đã thẩm định và tổng hợp xây dựng thành 34 hồ sơ Đề án của Chính phủ về sắp xếp ĐVHC cấp xã theo các cặp tỉnh mới, trình Chính phủ thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã và sắp xếp, bố trí trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công.

Trình bày nội dung thẩm tra các tờ trình và đề án của Chính phủ về việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với nội dung của Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và 34 Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025 như Chính phủ đã trình. Hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã đều đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với 34 Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 của 34 tỉnh, thành phố mới. Ảnh: QH

Kết luận nội dung Phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC bảo đảm tiến độ theo yêu cầu; đã chủ động phối hợp, sáng tạo trong việc xây dựng các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa tính kế thừa, ổn định và tầm nhìn dài hạn, hướng tới đổi mới, phát triển tốt hơn trong tương lai vì đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước.

“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo các đề án bảo đảm đúng quy trình; được thực hiện một cách chặt chẽ, đầy đủ thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật; đúng đường lối, chính sách của Đảng. Các ĐVHC đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù và các ĐVHC hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn về diện tích, dân số nhưng không thể tiếp tục sắp xếp với ĐVHC liền kề và các vấn đề khác được Cơ quan trình, Cơ quan thẩm tra cũng như ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra đều đã được Chính phủ báo cáo, giải trình cụ thể và phù hợp với đường lối, chính sách, phù hợp với pháp luật". Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 theo Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết kèm theo với phương án nhập 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 23 tỉnh, thành phố mới. Đề án và dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để bổ sung vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết các nội dung để chỉ đạo Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện trong thời gian tới. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm quyền hay chuyên môn mà còn có ý nghĩa về chính trị, nhằm tạo sự đồng thuận cao và yên tâm cho cán bộ và nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp Quốc hội để Quốc hội thông qua sớm Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025./.

23 tỉnh, thành phố mới sau sắp xếp

Nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh mới, có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hoà Bình và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.

Nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà hiện nay.

Nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Nhập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.

Nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay.

 

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu cấp bách để chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản trị phục vụ nhân dân

Ngày đăng 17/06/2025
Chiều 17/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phát biểu giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thì đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố then chốt, quyết định sự thành công của mô hình mới. Vì vậy, việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không còn là lựa chọn mà là yêu cầu cấp bách để chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản trị phục vụ nhân dân.

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Ngày đăng 17/06/2025
Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.

Công bố Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua

Ngày đăng 16/06/2025
Chiều 16/6/2025, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam công bố Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV thông qua, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Ngày đăng 16/06/2025
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 16/6/2025, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngày đăng 16/06/2025
Sáng 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 470/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.