Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, Chính phủ vừa có Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Qua tổng hợp, tổng số lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết là hơn 280,2 triệu lượt ý kiến, tỷ lệ tán thành trên 99%.
![]() |
|
Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân
Cụ thể, về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, ý kiến tán thành đạt 99,75%; ý kiến không tán thành đạt 0,04%); tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,21%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 10, ý kiến tán thành đạt 99,69%; ý kiến không tán thành đạt 0,06 %; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,25%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84, ý kiến tán thành đạt 99,95%; ý kiến không tán thành đạt 0,02%; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,03%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110, ý kiến tán thành đạt 99,83%; ý kiến không tán thành đạt 0,04%; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,13%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111, ý kiến tán thành đạt 99,84%; ý kiến không tán thành đạt 0,01%); tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,15%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112, ý kiến tán thành đạt 99,86%; ý kiến không tán thành đạt 0,01%; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,13%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 114, ý kiến tán thành đạt 99,96%); ý kiến không tán thành đạt 0,01%; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,03%.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115, ý kiến tán thành đạt 99,11%; ý kiến không tán thành đạt 0,04%; tán thành nhưng có đề nghị bổ sung đạt 0,85%.
Kết quả trên cho thấy, các ý kiến thể hiện sự tán thành rất cao đối với nội dung dự thảo Nghị quyết (tất cả các nội dung đều đạt tỷ lệ tán thành trên 99%). Tính trung bình, tỷ lệ tán thành đối với các nội dung nêu trên của dự thảo Nghị quyết là 99,75%.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, khoa học, đúng tiến độ, bám sát Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (UBDTSĐBSHP), của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Quá trình tổ chức lấy ý kiến tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, việc lấy ý kiến thông qua ứng dụng VNeID đã tạo thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, toàn diện và thực chất, giúp huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, rút ngắn được thời gian lấy ý kiến cũng như tổng hợp ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết. Đặc biệt, với tỷ lệ lượt ý kiến tán thành đạt 99,75% đã khẳng định nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Đề nghị giữ nguyên quy định lấy ý kiến Nhân dân về việc tổ chức đơn vị hành chính
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Theo đó, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013), đa số các ý kiến góp ý nhất trí với dự thảo Nghị quyết quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Bên cạnh đó, một số ý kiến góp ý đề nghị bổ sung cụm từ “thành viên” trước từ “trực thuộc”. Chính phủ đồng thuận với đại đa số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Nghị quyết, đây là cũng là ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBDTSĐBSHP.
Về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội (nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013), Chính phủ đề nghị quy định cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận” tại khoản 1 Điều 84 Hiến pháp 2013 thành “cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội”.
Về tổ chức đơn vị hành chính (nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013), Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp 2013 về “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, là cơ sở để người dân thảo luận công khai, dân chủ những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến Nhân dân.
Đối với một số nội dung khác về chính quyền địa phương (nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013), Chính phủ thống nhất sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.
Về quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013), Chính phủ đề nghị giữ nguyên như quy định tại khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013 hiện hành (không sửa đổi, bổ sung), cụ thể: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân…”.
Quy định này bảo đảm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn, bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương, góp phần tăng cường tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp cho thấy, có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực.
Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Chính phủ nhất trí xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là từ ngày 01/7/2025 nhằm tạo cơ sở hiến định thực hiện các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW.
Chính phủ nhất trí quy định tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nhất trí nội dung điều khoản chuyển tiếp quy định việc chỉ định các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, bảo đảm kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ngoài ra, đề nghị cần có cách thức tuyên bố chính thức việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước để ghi nhận đóng góp của đơn vị hành chính cấp huyện trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…./.
Trí Đức
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục