Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong bối cảnh đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Ngày đăng: 07/06/2025   08:35
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó, góp phần hoàn thiện, phát triển hệ thống GDNN, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực cho thị trường lao động trong bối cảnh mới.
 

Từ khoá: cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, chất lượng hiệu quả hoạt động, sáp nhập, giải thể.

Summary: The article analyzes the current situation and proposes a number of solutions to improve the quality and efficiency of public vocational education and training institutions in the context of the country promoting the arrangement and streamlining of the political system. Thereby, this article contributes to the completion and development of the vocational education system, meeting the increasing demand for human resource training for the labor market in the new context.

Keyword: public vocational education and training institutions, quality and efficiency of operations, mergers and dissolutions

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đặt ra mục tiêu phải đổi mới toàn diện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập(1). Trong bối cảnh cả nước đang triển khai chương trình cải cách hành chính sâu rộng, hướng đến một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập là một yêu cầu khách quan, tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và hùng cường của dân tộc. 

1. Bối cảnh và chủ trương, định hướng về sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta đang diễn ra với một tinh thần ráo riết, quyết liệt, khẩn trương và triệt để nhằm hướng tới một bộ máy chính trị với cơ cấu tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương(2). Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương đã được sắp xếp lại và có nhiều sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 chỉ còn 17 bộ, ngành (gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang Bộ, giảm 5 bộ, ngành so với trước đây). Các tổ chức bên trong cơ quan Chính phủ, bộ, ngành cũng được tinh gọn mạnh mẽ (giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 519 cục và tương đương; giảm 219 vụ và tương đương; giảm 3.303 chi cục và tương đương). Đối với 63 địa phương đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 1.454 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện(3). 

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV (diễn ra từ ngày 5/5/2025 đến ngày 30/6/2025), Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua các đề án về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Theo đó, 63 địa phương sẽ được sáp nhập chỉ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện hoạt động theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã; bỏ cấp huyện). Chức năng quản lý nhà nước ở một số bộ, ngành cũng có nhiều sự thay đổi như việc quản lý nhà nước về GDNN từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) (trước đây) chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; từ Sở LĐTBXH sang Sở Giáo dục và Đào tạo để thống nhất đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý. 

Tương tự như tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, cơ sở GDNN công lập nói riêng đã được Đảng ta quan tâm. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đã đặt ra một trong những mục tiêu là phải giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với 2015; đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp so với năm 2021; đến năm 2030, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể đối với lĩnh vực GDNN là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả, về cơ bản trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một cơ sở GDNN công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện (sắp tới sẽ là cấp xã). Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù.

Đại hội lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta tiếp tục chủ trương hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập(4).
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045(5) cũng đã đề ra nhiệm vụ giải pháp tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN thuộc các cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045(6) cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020 (khoảng 40% trường trung cấp công lập); hoàn thành sáp nhập trung tâm GDTX, trung tâm GDNN thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện (cấp xã). Đồng thời mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập. Về số lượng sẽ chỉ còn 850 cơ sở GDNN công lập, bao gồm: 260 trường cao đẳng, 110 trường trung cấp, 480 trung tâm GDNN.

Với chủ trương, định hướng nêu trên, trong bối cảnh cả nước tập trung cho cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở GDNN nói riêng cũng cần có một cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn đầu mối tương tự để phù hợp với sự thay đổi tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới. 

2. Thực trạng chung về mạng lưới cơ sở GDNN và việc sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập

a) Khái quát thực trạng về mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

* Mạng lưới cơ sở GDNN

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nhân lực qua đào nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. 

Theo số liệu của Bộ LĐTBXH (trước đây)(7), năm 2024, cả nước có 1.888 cơ sở GDNN, trong đó có 1.198 cơ sở công lập, gồm 297 trường cao đẳng, 203 trường trung cấp, 698 trung tâm GDNN, trung tâm GDNN - GDTX; 683 cơ sở tư thục, gồm 96 trường cao đẳng, 229 trường trung cấp, 358 trung tâm GDNN; 07 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 04 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 02 trung tâm GDNN.

Với riêng 1.198 cơ sở GDNN công lập thì có 137 cơ sở công lập thuộc bộ, ngành (127 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp); 26 cơ sở công lập thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Nhà nước giao biên chế (08 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 02 trung tâm GDNN); 06 cơ sở công lập thuộc doanh nghiệp nhà nước (05 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp) và 1.029 cơ sở công lập thuộc địa phương (157 trường cao đẳng, 176 trường trung cấp, 696 trung tâm GDNN và trung tâm GDNN - GDTX).

* Đánh giá chung

Mạng lưới các cơ sở GDNN công lập đang đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực ở các trình độ của GDNN. Đa số các cơ sở GDNN có bề dày truyền thống, gắn liền với lịch sử phát triển của các bộ, ngành, địa phương để đào tạo, cung ứng nhân lực trực tiếp cho ngành, lĩnh vực, địa phương (nhiều trường có lịch sử phát triển 60 - 70 năm, cá biệt có những trường trên 100 năm). Các trường cơ bản có điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tốt; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý từng bước được chuẩn hoá, đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Nhiều trường có quy mô tuyển sinh lớn từ 2.000 - 3.000 hssv/năm, trong đó có nhiều ngành, nghề đào tạo ở phạm vi vùng, liên vùng và cả nước, chất lượng cao, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở và ngành, nghề đào tạo của các cơ sở GDNN công lập còn nhiều bất cập. Mạng lưới cơ sở vừa phân tán, vừa cồng kềnh với nhiều đầu mối quản lý (vừa thuộc bộ, ngành quản lý trực tiếp, vừa thuộc địa phương quản lý theo địa bàn); nhiều trường của các bộ, ngành nhưng lại đặt ở nhiều địa phương khác nhau (trải khắp 41 tỉnh, thành phố), thậm chí trên một địa phương có rất nhiều trường của một bộ, ngành nên phân tán nguồn lực, phức tạp trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, các trường còn chồng chéo, trùng lắp khoảng 50 - 70% về nhóm ngành nghề đào tạo; chưa chú trọng phát triển những ngành, lĩnh vực đặc thù có lợi thế so sánh. 

b) Thực trạng sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN thời gian qua

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP, đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng Đề án rà soát, sắp xếp tổng thể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (trong đó có phương án sắp xếp các cơ sở GDNN) và đã đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét, quyết định sáp nhập các trường trung cấp, trường cao đẳng vào trường cao đẳng. 

Ở Trung ương, theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành 46 quyết định sáp nhập các cơ sở GDNN công lập vào trường cao đẳng của 04 bộ, 39 địa phương; 02 quyết định giải thể 02 trường cao đẳng công lập của 02 địa phương. Kết quả giảm 75 cơ sở GDNN (trong đó 18 trường cao đẳng, 57 trường trung cấp). Ở địa phương và các bộ, ngành, theo thẩm quyền đã rà soát, quyết định sáp nhập, giải thể các trường trung cấp, trung tâm GDNN trực thuộc. Theo báo cáo của 51/63 địa phương, 27 địa phương đã quyết định sáp nhập, giảm 56 trường trung cấp, giải thể 02 trường trung cấp; 24 địa phương quyết định sáp nhập, giảm 138 trung tâm GDNN và giải thể 08 trung tâm GDNN.

Từ năm 2017 đến 2023, cả nước đã giảm được 147 cơ sở GDNN công lập, đạt tỷ lệ 9% trong ba năm, cơ bản đảm bảo lộ trình giảm đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW.

c) Đánh giá chung về một số thuận lợi và khó khăn trong việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở GDNN công lập

* Một số thuận lợi

- Trong thời gian qua, việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở GDNN công lập đã phần nào góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN thông qua việc giảm đầu mối quản lý, giảm đầu tư dàn trải, giảm sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ…. của các cơ sở GDNN công lập;

- Sáp nhập một số cơ sở GDNN đã tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương tập trung các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia, giảng viên, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực. Các cơ sở GDNN sau sáp nhập mở rộng quy mô đào tạo, cung cấp đa dạng các ngành nghề, hạn chế sự trùng lặp về các chương trình, ngành nghề đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và người học;

- Việc sáp nhập tạo cơ hội để các cơ sở GDNN học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên; có điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đảm bảo chương trình đào tạo sát với thực tế và tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp;

- Các cơ sở GDNN sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, chất lượng tốt hơn có thể đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, đổi mới phương pháp đào tạo và phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, đồng thời tạo được vị thế và uy tín cao hơn trong thị trường lao động trong nước và hướng tới xuất khẩu lao động kỹ thuật đến các nước trong khu vực.

* Một số khó khăn, thách thức

- Việc sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính cơ học, chưa phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới và phân tầng chất lượng cơ sở GDNN; gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý và hoạt động sau sáp nhập (sáp nhập các cơ sở GDNN có chức năng, ngành nghề đào tạo đặc thù, khác nhau với nhau như kỹ thuật với y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao, sư phạm); còn hiện tượng gây lãng phí nguồn lực đã được đầu tư (nhiều trường hoạt động tốt, đầu tư đồng bộ, hiện đại lại bị giải thể).

- Sự khác biệt về văn hóa, quy trình làm việc và hệ thống quản lý giữa các cơ sở sáp nhập tạo ra rào cản trong việc xây dựng một tổ chức thống nhất và hiệu quả. Việc sắp xếp lại nhân sự, thay đổi cơ cấu tổ chức phần nào gây ra sự lo lắng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ và sự ổn định nghề nghiệp. Việc hài hòa và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và các tiêu chuẩn khác giữa các đơn vị sáp nhập đòi hỏi các nhà trường sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực và chuyên môn;

- Việc hợp nhất các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề mới liên quan đến cơ quan chủ quản, dẫn đến sẽ có những khó khăn ban đầu trong tiếp cận các nguồn lực đầu tư và các thủ tục hành chính.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là việc hợp nhất, thay đổi cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về GDNN sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN công lập. Theo chúng tôi cần lưu tâm đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về GDNN, nhất là những quy định liên quan đến phát triển mạng lưới cơ sở GDNN
Sớm sửa đổi, bổ sung Luật GDNN và hệ thống pháp luật về GDNN liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về GDNN ở trung ương, địa phương; phát triển mạng lưới cơ sở GDNN nói chung, cơ sở GDNN công lập nói riêng theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục liên quan đến sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN công lập đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện; hướng dẫn cụ thể về quy trình, tiêu chí sáp nhập, giải thể, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sắp xếp nhân sự, quản lý tài sản và tài chính và đảm bảo quyền lợi của nhà giáo, người học, người lao động.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện lộ trình sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN

Các bộ, ngành, địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiến hành tổ chức rà soát, đánh giá, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập hiện có hoặc được bàn giao từ đơn vị hợp nhất, sáp nhập; chủ động xây dựng phương án sắp xếp lại, sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN theo chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, xem xét chuyển các cơ sở GDNN công lập của bộ, ngành về bộ quản lý lĩnh vực hoặc địa phương quản lý, chỉ giữ lại các trường đào tạo các ngành nghề đặc thù (bộ ngành khác hoặc địa phương không thể thực hiện được); sáp nhập trung tâm GDTX, trung tâm GDNN của cấp huyện trước đây thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp xã; sáp nhập trung tâm GDNN, trường trung cấp vào trường cao đẳng công lập; sáp nhập các trường cao đẳng công lập trên cùng địa bàn có đa số các ngành, nghề đào tạo trùng nhau; sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học cùng cơ quan chủ quản; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc hoạt động không hiệu quả (không sáp nhập những cơ sở này vào cơ sở khác). Không thành lập mới cơ sở GDNN công lập; không hình thành trung tâm GDNN tại các đơn vị hành chính cấp xã đã có trường cao đẳng hoặc trường trung cấp công lập hoặc phân hiệu, cơ sở của trường cao đẳng hoặc trung cấp công lập đóng trên địa bàn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp, tổ chức lại

Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động và sự phát triển của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong trình đào tạo, thực hành, thực tập và cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề đào tạo; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng sư phạm tốt, tận tuỵ, tâm huyết với nghề và có khát vọng cống hiến.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; triển khai mô hình quản lý, quản trị, vận hành các cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức đào tạo và quản lý, điều hành của các cơ sở GDNN; thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sáp nhập, kịp thời điều chỉnh và có các biện pháp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả.

Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo cho các cơ sở GDNN công lập sau sáp nhập theo lộ trình phù hợp với từng loại hình và năng lực của cơ sở; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để các cơ sở GDNN có thể chủ động khai thác các nguồn thu hợp pháp, đa dạng hóa nguồn lực tài chính và nâng cao khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên; thực hiện cơ chế quản trị linh hoạt, hiệu quả, tăng cường vai trò của hội đồng trường trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của nhà trường.

Tài liệu tham khảo
(1), (2), (5).  Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

(3). Bộ Nội vụ (2025), Báo cáo số 1379/BC-BNV ngày 15/4/2025 Phát triển kinh tế tư nhân;

(4). Các văn kiện Đại hội Đảng: Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội;

(6). Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; Công điện số 209/CĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(7). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023), Dự thảo Báo cáo Kết quả rà soát, sắp xếp và phối hợp với các Bộ, ngành về phương án tổ chức lại cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành.

TS. Vũ Xuân Hùng
Văn phòng Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tư tưởng V.I.Lênin về mối quan hệ giữa dân chủ vô sản với nhà nước vô sản và ý nghĩa đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 15/06/2025
Tóm tắt: Tư tưởng V.I.Lênin về mối quan hệ giữa dân chủ vô sản với nhà nước vô sản có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống di sản lý luận và thực tiễn về thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết. Mối quan hệ giữa dân chủ vô sản với nhà nước vô sản là thống nhất, biện chứng nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Bài viết làm rõ những nội dung cơ bản trong tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa dân chủ vô sản với nhà nước vô sản; qua đó, rút ra thực tiễn đối với việc phát huy dân chủ ở đơn vị cơ sở để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến thẳng lên hiện đại hiện nay, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần đi vào thực chất và hiệu quả

Ngày đăng 06/06/2025
Tóm tắt: Bài viết làm rõ quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một yêu cầu chiến lược, gắn với phát triển bền vững đất nước. Ba nội dung then chốt được xác định: (1) Nhận thức tiết kiệm là giải pháp căn cơ trong bối cảnh khó khăn; (2) Triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, phát triển công nghệ, đẩy mạnh phân quyền, xử lý tài sản công hiệu quả; (3) Xây dựng văn hóa tiết kiệm, khen thưởng gương mẫu, xử lý nghiêm vi phạm. Bài viết cũng phân tích nguyên nhân khiến chương trình tiết kiệm, chống lãng phí chưa đi vào thực chất. Từ đó, nhấn mạnh vai trò của việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và củng cố hành lang pháp lý, nâng cao kỷ luật công vụ, đưa tiết kiệm trở thành chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử trong toàn xã hội. Từ khóa: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng đối với công tác vận động đồng bào Khmer

Ngày đăng 05/06/2025
Tóm tắt: Thời gian qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động đồng bào Khmer và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Vai trò của chính quyền cấp cơ sở và giải pháp tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền địa phương 02 cấp

Ngày đăng 22/05/2025
Tóm tắt: Chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong chính quyền địa phương 02 cấp, là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và nhân dân, thực hiện nhiều chức năng và nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong phục vụ nhân dân, cộng đồng; là cấp chính quyền gần dân, sát dân, bảo đảm thi hành pháp luật trong địa bàn, thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương và cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, tổ chức. Để tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường trang thiết bị điều kiện làm việc và mở rộng dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Từ khóa: Chính quyền cấp cơ sở; chính quyền phục vụ; nhà nước của dân do dân và vì dân.

Nâng cao ý thức chính trị xã hội chủ nghĩa của đội ngũ sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày đăng 19/05/2025
Tóm tắt: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, do đó việc nâng cao ý thức chính trị xã hội chủ nghĩa cho đội ngũ sĩ quan cấp phân đội ngày càng trở nên cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.