Thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, UBND tỉnh Phú Yên đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 03/4/2025 triển khai các nội dung, nhiệm vụ, xác định lộ trình chuẩn bị thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ngày 26/4/2025, tại Kỳ họp thứ 27 (Kỳ họp chuyên đề,) HĐND tỉnh Phú Yên đã thông qua Nghị quyết số 20/NQ-HĐND về chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên.
Sắp xếp ĐVHC - phục vụ tốt hơn cho người dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển cho địa phương
Thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập 09 Tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã với 35 thành viên, do các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Tổ trưởng. Đến nay, các Tổ công tác và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ theo Đề án được thông qua, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ tại các ĐVHC cấp xã, bảo đảm chính quyền cấp xã sau sắp xếp, tổ chức lại ổn định, đi vào hoạt động thông suốt, không để khoảng trống pháp lý gây gián đoạn công việc của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền địa phương. Đồng thời, tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của 09 huyện, thị xã, thành phố và quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh Phú Yên xây dựng phương án sắp xếp 106 xã, phường, thị trấn thành 34 ĐVHC cấp xã (27 xã và 07 phường), giảm 67,92% so với tổng số đơn vị hiện có.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất thành lập phường Phú Yên, đây là phường được sắp xếp trên cơ sở sáp nhập các phường: Phú Đông, Phú Lâm, Phú Thạnh và xã Hòa Thành thuộc thành phố Tuy Hòa, một phần khu phố Uất Lâm (phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa), thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa). Việc đặt tên phường Phú Yên đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương, bởi đây là phường trung tâm nằm ở phía nam Sông Ba với quy mô diện tích đảm bảo không gian phát triển, có sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, nhà ga hành khách đường sắt cao tốc. Khu vực này được định hướng hình thành Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh mới.
![]() |
Sáp nhập tỉnh thành, một danh xưng có thể thay đổi nhưng quê hương vẫn đấy, truyền thống văn hoá vẫn còn đấy… |
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bối cảnh mới
Với nền tảng địa lý bổ trợ, văn hóa phong phú và lịch sử gắn kết, tỉnh Đắk Lắk mới trên cơ sở hợp nhất giữa tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ là một cực tăng trưởng mới ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thông qua các cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk đã trao đổi, thống nhất một số nội dung thuộc thẩm quyền và phương án thực hiện Đề án hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua. Thường trực HĐND hai tỉnh đã thảo luận, thống nhất dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND của hai tỉnh. Lãnh đạo HĐND hai tỉnh đã cho ý kiến về Đề án thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đắk Lắk với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Yên; cho ý kiến đề xuất về phương án sắp xếp, bố trí phòng làm việc và trang thiết bị các phòng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phương án bố trí nơi ăn ở, phương tiện đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phương án xử lý tài sản, trang thiết bị không sử dụng sau khi hợp nhất…
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025 nhấn mạnh: “Mục tiêu của việc sắp xếp HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hai tỉnh nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử trong bối cảnh mới. Việc hai tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động triển khai sớm các bước đi ban đầu, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mô hình chính quyền mới: tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian đến”.
Sau sắp xếp, toàn tỉnh Phú Yên sẽ kết thúc hoạt động của 09 đảng bộ cấp huyện trực thuộc Tỉnh ủy và 106 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Sau khi Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy sẽ ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các đảng bộ xã, phường, thị trấn trực thuộc đảng bộ huyện, thị xã, thành phố từ ngày 01/7/2025; đồng thời thực hiện quy định của Trung ương, Tỉnh ủy sẽ ban hành quyết định chuyển giao các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn hiện nay về trực thuộc đảng ủy xã, phường sau sắp xếp từ ngày 01/7/2025 theo phương án sắp xếp ĐVHC được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh ủy sẽ ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các đảng bộ huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Tỉnh ủy từ ngày 01/7/2025 (và sẵn sàng cho phương án thời gian sớm hơn nếu cấp có thẩm quyền quyết định). Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ thành lập 34 đảng bộ xã, phường mới trực thuộc Tỉnh ủy, tương ứng với 34 ĐVHC cấp xã sau sắp xếp.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC các cấp
ĐVHC cấp xã sau sắp xếp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều thủ tục hành chính phải thay đổi; phát sinh các vấn đề liên quan đến sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương và xử lý khối lượng lớn tài sản nhà nước. Trước tình hình đó, các tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm; quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; quản lý chặt chẽ và có biện pháp bảo vệ hồ sơ, tài liệu bí mật nhà nước khi triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc lưu trữ tài liệu, số hóa tài liệu theo quy định. Quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp phải trên tinh thần công tâm, khách quan, đặt lợi ích chung lên trên hết, tránh lãng phí, thất thoát, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội và Nhân dân.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025 cũng khẳng định: “Cùng với chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tư tưởng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần thay đổi quan điểm về cấp xã theo chính quyền 02 cấp, bởi lẽ sau sáp nhập, cấp xã sẽ thực hiện hầu hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện; có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý. Cấp xã cũng là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề ở cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo chính quyền gần dân, sát dân nhất. Khi không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã, chính quyền cấp xã phải quản lý địa bàn rộng lớn hơn, dân số đông hơn và khối lượng công việc cũng nhiều hơn. Do đó, “Các tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn chặt chẽ với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ tại các ĐVHC cấp xã, bảo đảm chính quyền cấp xã sau sắp xếp, tổ chức lại ổn định, đi vào hoạt động thông suốt, không để khoảng trống pháp lý, gián đoạn công việc của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền địa phương”, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.
Bên cạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ số lượng và đảm bảo chất lượng theo hướng vừa thực hiện chức năng của cấp xã, vừa thực hiện chức năng của cấp huyện trước khi kết thúc hoạt động, trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày của Nhân dân cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải có đủ năng lực, phẩm chất uy tín để đáp ứng nhu cầu công việc. Hiện tại, Trường Chính trị tỉnh Phú Yên đang phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động trơn tru, không bị gián đoạn.
Tại Kết luận số 157-KL/TW ngày 25/5/2025 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và ĐVHC, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất sắp xếp cấp xã trước ngày 15/7/2025, cấp tỉnh trước ngày 15/8/2025 (và thực tế cho thấy còn có thể sớm hơn). Việc sáp nhập ĐVHC không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong bối cảnh khối công việc rất lớn, thời gian cao điểm, nước rút, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp của tỉnh Phú Yên cần tiếp tục nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ theo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra tại các văn bản chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương, tạo tiền đề quan trọng để địa phương sẵn sàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, bứt phá, tăng tốc, phát triển nhanh và bền vững./.
Đăng Doanh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục