Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đã họp bàn, thống nhất quan điểm giữ nguyên mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030, theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khẩn trương chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp… tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận sẽ sáp nhập thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, hồ sơ Đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đã trình Bộ Nội vụ, và Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Đề án này.
Tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã nhấn mạnh: việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện... trong phạm vi một ĐVHC cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong sắp xếp tổ chức bộ máy và ĐVHC theo đúng tiến độ, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kịp thời tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (nếu có); đưa vào hoạt động ĐVHC cấp xã mới từ ngày 01/7, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/7; cấp tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8. Do đó, theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, có 41 ĐVHC cấp cơ sở hình thành sau sắp xếp gồm: thành phố Nha Trang có 04 phường; thành phố Cam Ranh có 01 xã và 04 phường; thị xã Ninh Hòa có 05 xã và 03 phường; huyện Vạn Ninh có 05 xã; huyện Diên Khánh có 06 xã; huyện Cam Lâm có 04 xã; huyện Khánh Vĩnh có 05 xã; huyện Khánh Sơn có 03 xã; hình thành đặc khu Trường Sa trên cơ sở giữ nguyên trạng huyện đảo Trường Sa hiện nay.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, hiện nay có dân số khoảng 610.000 người (số liệu tháng 4/2024); diện tích tự nhiên là 3.358 km2, có 06 huyện và 01 thành phố, với 62 ĐVHC cấp xã. Theo dự thảo Đề án, tỉnh Ninh Thuận sau sắp xếp sẽ còn 17 ĐVHC cấp cơ sở, trong đó có 14 xã, phường. Riêng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm sắp xếp lại còn 03 phường. Như vậy, sau sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận thành tỉnh Khánh Hòa (mới) sẽ có diện tích tự nhiên hơn 8.555 km2, quy mô dân số là 2,23 triệu người và 65 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 48 xã, 16 phường, 01 đặc khu).
![]() |
Trụ sở Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa (mới), tại địa chỉ số 1 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa |
Cùng chung quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (mới)
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Với cùng chung quyết tâm, Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Ninh Thuận đã thông qua dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2025-2030; dự thảo (lần 2) dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ được hai tỉnh hoàn thiện gửi Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 10/6/2025. Hai tỉnh đã thông qua Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện và đảng bộ cấp xã (cũ), thành lập đảng bộ cấp xã (mới), chuẩn bị nội dung để đảng bộ cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2025; chỉ định nhân sự cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ mới. Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh và nhà công vụ sẽ được hoàn thành xây dựng, cải tạo. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh bảo đảm kiện toàn tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tổ chức triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp ĐVHC đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần tập trung thực hiện. Các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục tuyên truyền về quá trình thực hiện, kết quả trong việc triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; sắp xếp ĐVHC các cấp.
Nghị quyết số 09-NQ/TW, nêu rõ tầm nhìn đến năm 2045: “Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không”. |
Vì vậy, để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin chính thống, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; quản lý, theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức gương mẫu, phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, sai phạm trong công tác tổ chức, cán bộ khi thực hiện sắp xếp; nghiêm cấm tác động, can thiệp trong quá trình sắp xếp nhân sự; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; kỷ luật phát ngôn, quản lý và sử dụng thông tin trên mạng xã hội; chủ động phòng tránh việc lộ thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, bí mật nội bộ liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức phát tán, cung cấp thông tin, tài liệu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Bên cạnh đó, nghiêm túc quản lý, lưu trữ hồ sơ, số hóa tài liệu, kiểm kê, kiểm soát, chuẩn bị tất toán tài khoản, tài sản, dự án công; lưu ý kiểm tra, giám sát các bước rà soát, kiểm đếm, chỉnh lý, thanh lý, tiêu hủy hồ sơ, tài liệu để sẵn sàng bàn giao khi sáp nhập ĐVHC cấp xã. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp; hướng dẫn quản lý, lưu trữ hồ sơ, số hóa tài liệu, bảo đảm an toàn tài liệu của cơ quan, tổ chức; theo dõi, đôn đốc các cơ quan triển khai nhiệm vụ.
Đặc biệt, địa phương đề xuất hỗ trợ xây dựng tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm dịch vụ công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng; tổ hợp công nghiệp, chế tạo xanh, công nghiệp phụ trợ; trung tâm công nghiệp xanh NetZro; trung tâm sản xuất chíp bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo; trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực và thế giới; được tạo điều kiện triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Cùng với đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án điện khí LNG Vân Phong 2 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); quan tâm, định hướng chỉ đạo hoàn thiện, xem xét, phê duyệt đề án thành lập Khu thương mại tự do Khánh Hòa và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển Khu kinh tế Vân Phong... đây là những cơ sở, điều kiện rất quan trọng để tỉnh Khánh Hòa (mới) sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra./.
Lê Sơn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục