Thanh Hóa có diện tích tự nhiên hơn 11.114 km2, quy mô dân số hơn 4,32 triệu người; có 26 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, gồm 02 thành phố, 02 thị xã và 22 huyện (trong đó, có 11 huyện thuộc khu vực miền núi); 547 ĐVHC cấp xã, gồm 63 phường, 32 thị trấn và 452 xã, trong đó có 16 xã, thị trấn biên giới. Thực hiện Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025), tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Ngày 25/4/2025, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 để thảo luận và quyết nghị thông qua Nghị quyết về sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Phường Hạc Thành là ĐVHC mới có quy mô dân số lớn nhất tỉnh Thanh Hóa |
Triển khai sắp xếp ĐVHC với dự kiến 166 ĐVHC cấp xã.
Theo đề nghị của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025, trình Bộ Nội vụ thẩm định báo cáo Chính phủ, gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị. Bên cạnh đó, để công tác sáp nhập được đảm bảo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án tổ chức bộ máy của chính quyền cấp xã; phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức; chuyển giao công việc từ cấp huyện cho các xã; vấn đề tài chính, tài sản, các dự án đầu tư, các thủ tục hành chính đang giải quyết cho tổ chức, cá nhân...
Ngày 18/4/2025, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị triển khai việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Thanh Hóa dự kiến giảm khoảng 70% số lượng ĐVHC cấp xã hiện có. Theo phương án sắp xếp, tỉnh sẽ thực hiện hợp nhất 529/547 ĐVHC cấp xã (gồm 435 xã, 63 phường và 31 thị trấn) thành 166 ĐVHC cấp xã mới, gồm 18 phường và 148 xã (trong đó có 73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Toàn tỉnh giảm 381 ĐVHC cấp xã, tương ứng giảm 69,65%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thống nhất đề xuất không thực hiện sắp xếp đối với 18 ĐVHC cấp xã, gồm 12/16 xã biên giới giáp Lào và 06 xã miền núi có địa hình đặc biệt khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc giữ nguyên các xã biên giới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Còn lại 04 xã biên giới sẽ được sắp xếp với các xã, thị trấn không nằm trong khu vực biên giới để tiếp tục thụ hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính
Song song với việc tổ chức công tác cán bộ trong quá sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương để lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính vào chiều ngày 26/5/2025 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tài chính là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.
Từ thực tiễn của tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Văn Thi đã đề xuất Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, bảo đảm việc chuyển giao thẩm quyền được thống nhất, thông suốt từ ngày 01/7/2025. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ tài chính cấp cơ sở, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc tăng lên sau khi không còn cấp chính quyền trung gian.
Về công tác sắp xếp tổ chức và xử lý tài sản công, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện sáp nhập nhiều ĐVHC, trong đó có xã, phường, thị trấn. Do đó, rất cần hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng, điều chuyển hoặc đấu giá các trụ sở, tài sản công nhằm tránh lãng phí, đồng thời tạo nguồn lực phát triển đô thị, phục vụ dân sinh. Thanh Hóa cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai hiệu quả mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm đúng tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập
Cùng với việc triển khai các công tác khác trong việc sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Đề án vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thì các Đội kiểm tra quy tắc đô thị của thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn sẽ chấm dứt hoạt động, giữ nguyên 27 bệnh viện đa khoa tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế nhằm bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, giữ nguyên 26 trung tâm y tế và thành lập 166 trạm y tế là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các xã, phường mới, trên cơ sở sắp xếp lại 547 trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện có.
Tỉnh cũng sẽ giữ nguyên 04 Ban Quản lý dự án cấp huyện và 26 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện hiện nay, chuyển về UBND tỉnh quản lý. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác như: Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước; Đội Quản lý giao thông đường bộ huyện Hà Trung, Thọ Xuân; Ban Quản lý chợ Hà Trung…; bố trí viên chức (nếu có), người lao động…, bàn giao tài sản của đơn vị này về Ban Quản lý dự án huyện (trước khi bàn giao về tỉnh quản lý) hoặc Trung tâm cung ứng dịch vụ công của các xã mới, phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, nghiệp vụ. Sau khi kết thúc ĐVHC cấp huyện sẽ thực hiện sắp xếp lại, tổ chức 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban Quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án... trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh có thể thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban Quản lý dự án của UBND tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường mới. Từ năm 2026, sẽ thực hiện sắp xếp lại 04 Ban Quản lý dự án này và 26 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau khi đã chuyển về UBND tỉnh quản lý). Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, số lượng người làm việc… bảo đảm phù hợp với quy định và tình hình thực tế.
Vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương 02 cấp
Đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, không tổ chức cấp huyện tại tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện sơ bộ bản đồ hành chính của 166 xã, phường mới. Đồng thời, đã xây dựng Đề án tổ chức bộ máy khối chính quyền (bao gồm HĐND, UBND và đơn vị sự nghiệp trực thuộc) và Phương án bố trí, điều động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của 166 xã, phường mới. Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 23/5/2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh khẳng định việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là việc khó, đòi hỏi chất lượng cao theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Mặc dù thời gian gấp nhưng Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tập trung cao độ để thực hiện triển khai tiến độ công việc được giao, nhất là phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo Ban Thường vụ cấp huyện tổ chức hội nghị để xây dựng dự kiến nhân sự theo thẩm quyền và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến ngày 30/5/2025. Đối với cán bộ ở các ban, sở, ngành được điều động công tác tại các xã trong đợt này, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh và cấp ủy các ban, sở, ngành, Ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương đã quán triệt nghiêm túc về việc bố trí nhân sự cấp ủy tại các xã, phường thành lập mới sau sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Về việc bố trí nhân sự phải bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức… phải căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện; trong đó đặc biệt coi trọng, đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức. Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm của cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ tiến hành điều tra, thanh tra, kiểm tra. Việc điều động, bố trí cán bộ, công chức chuyên môn giữa các xã, phường trong ĐVHC cấp huyện hiện nay phù hợp về số lượng, về chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo tất cả các ngành, lĩnh vực, các nhiệm vụ, công việc, các mặt công tác đều có cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ đảm nhận để thực hiện nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ngắt quãng công việc ở cơ sở.
Theo đó, sau khi đã cơ bản hoàn thành công tác bố trí nhân sự cấp xã sau sắp xếp ĐVHC, từ ngày 15/6 đến ngày 25/6/2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương 02 cấp./.
Ngọc Linh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục