Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Vai trò của chính quyền cấp cơ sở và giải pháp tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền địa phương 02 cấp

Ngày đăng: 23/05/2025   12:34
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong chính quyền địa phương 02 cấp, là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và nhân dân, thực hiện nhiều chức năng và nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong phục vụ nhân dân, cộng đồng; là cấp chính quyền gần dân, sát dân, bảo đảm thi hành pháp luật trong địa bàn, thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương và cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, tổ chức. Để tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường trang thiết bị điều kiện làm việc và mở rộng dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.

Từ khóa: Chính quyền cấp cơ sở; chính quyền phục vụ; nhà nước của dân do dân và vì dân.

Abstract: The grassroots-level local government plays a crucial role within the two-tier local government system. It acts as a direct bridge between the state and the people, performing numerous essential functions and tasks in serving the public and the community, as well as the level of government closest to the people. It ensures the enforcement of laws, carries out state administrative management in its jurisdiction, and provides essential public services to individuals and organizations. To enhance the service-oriented nature of grassroots-level government, efforts must focus on improving the quality of local officials and civil servants; advancing administrative procedure reforms; promoting digital transformation and the application of information technology; upgrading facilities and working conditions; and expanding grassroots democracy by encouraging citizen participation in local governance.

Keywords: Grassroots-level government; service-oriented government; government of the people, by the people, for the people.

 

Những định hướng, chủ trương về chính quyền cấp cơ sở

Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước lấy phục vụ nhân dân làm mục đích phấn đấu thực hiện. Hiến pháp năm 2013 khẳng định(1): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” và “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 12/4/2025 đã thông qua chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, nhấn mạnh mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Nghị quyết số 60-NQ/TW đã cụ thể hóa các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Đề cấp đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, có ý nghĩa quan trọng, trong đó có chủ trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước. Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương được xác định trên tinh thần đột phá, bám sát thực tiễn, hướng đến mục tiêu mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và cho đất nước. Việc này không phải chỉ để giảm chi phí hành chính mà quan trọng là tạo dư địa phát triển cho từng địa phương, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giúp giảm biên chế, giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.(2)

Những định hướng chủ trương về tính phục vụ của chính quyền địa phương cấp cơ sở tập trung quyết tâm xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, minh bạch, ứng dụng công nghệ; một bộ máy hành chính gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, hướng đến sự hài lòng của người dân với vai trò trực tiếp phục vụ và giải quyết các nhu cầu thiết yếu của người dân, của cộng đồng.

Thời gian vừa qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang được triển khai đưa vào cuộc sống. Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã hướng đến việc hình thành các đơn vị hành chính có quy mô hợp lý, bộ máy tinh gọn, giảm chi phí hành chính và tập trung nguồn lực phục vụ người dân tốt hơn. Giảm tầng nấc trung gian trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cụ thể là bỏ cấp huyện nhằm giảm bớt khâu trung gian, giúp chính quyền cấp cơ sở hoạt động thực thi công vụ trực tiếp và hiệu quả hơn trong việc phục vụ người dân. Đồng thời, thực hiện công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức với các hoạt động cụ thể như: rà soát, tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm và tận tâm phục vụ nhân dân. Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với các hoạt động cụ thể như: xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, từng bước số hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân.

Thực hiện chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, hướng tới tăng cường phân cấp, phân quyền. Giao quyền tự chủ hơn cho cấp cơ sở, trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho chính quyền cấp xã để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương, giúp phục vụ người dân kịp thời và hiệu quả hơn. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương, đảm bảo chính quyền cấp xã có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền địa phương 02 cấp

Trong chính quyền địa phương 02 cấp ở Việt Nam (cấp tỉnh và cấp cơ sở), chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và nhân dân, thực hiện nhiều chức năng và nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong phục vụ nhân dân, cộng đồng. Chúng ta có thể đưa ra những vai trò chính của chính quyền cấp cơ sở như sau:

Thứ nhất, với vai trò là cấp chính quyền gần dân nhất, chính quyền cấp cơ sở là nơi người dân trực tiếp liên hệ, giải quyết các công việc hàng ngày. Thực thi công vụ hiệu lực, hiệu quả và thái độ phục vụ của chính quyền ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng và niềm tin của người dân đối với chính quyền cấp cơ sở, đối với Nhà nước. Với việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, cấp cơ sở được đảm nhận nhiều nhiệm vụ và quyền hạn trước đây thuộc về cấp huyện, trở thành một cấp chính quyền "gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn".

Thứ hai, vai trò tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật trong đời sống hàng ngày ở địa phương. Chính quyền cấp cơ sở có trách nhiệm tổ chức, tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, đảm bảo nhanh chóng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức.

Thứ ba, thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương. Chính quyền cấp cơ sở thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn mình quản lý với những hoạt động chính như: 1) Quản lý dân cư: thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu; giải quyết các vấn đề liên quan đến dân cư trên địa bàn. 2) Quản lý hoạt động kinh tế: tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn. 3) Đảm bảo an ninh và trật tự xã hội, quản lý an ninh - quốc phòng: tổ chức lực lượng dân quân tự vệ; thực hiện công tác quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 4) Quản lý hoạt động văn hóa - xã hội: tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao; thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa.

Thứ tư, cung cấp các dịch vụ công, trực tiếp phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. 1) Cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, như: tổ chức cung cấp các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích thiết yếu như y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, cấp nước, chiếu sáng. 2) Tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức. Lắng nghe, tiếp nhận, nghiên cứu giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân thuộc thẩm quyền. 3) Thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống người dân. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp. Trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, chính quyền cấp cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước ở địa phương thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Như vậy, chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò nền tảng và then chốt trong hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp. Đây là cấp chính quyền trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quản lý mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn và đáp ứng trực tiếp các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Việc xây dựng chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp cơ sở có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân.

Tính phục vụ của chính quyền địa phương cấp cơ sở

Chính quyền địa phương cấp cơ sở được tổ chức và hoạt động với mục đích cao cả là phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, kiến tạo phát triển cho địa phương và phục vụ nhân dân. Tính phục vụ của chính quyền địa phương cấp cơ sở thể hiện qua các nội dung sau:

Một là, cấp chính quyền gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm trực tiếp trước đời sống của nhân dân, sự đi lên phát triển của địa phương. Với việc bỏ cấp huyện giúp chính quyền cấp cơ sở gần gũi hơn với người dân, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, qua nhiều cấp, qua cấp trung gian. Chính quyền cấp cơ sở là cấp trực tiếp tiếp xúc với người dân hàng ngày, có điều kiện thuận lợi để lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, khi người dân có nhu cầu trao đổi, phản ánh, khiếu nại tố cáo thì thông tin được chính quyền cấp cơ sở truyền tải và xử lý trực tiếp đúng chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm, từ đó giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Hai là, hoạt động thực thi công vụ của của chính quyền cấp cơ sở hướng vào phục vụ người dân, chú trọng nâng cao hiệu quả phục vụ. Mở rộng phạm vi địa giới, phạm vi hoạt động của chính quyền cấp cơ sở giúp tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm trong thực thi công vụ. Với việc được giao thêm quyền hạn, trách nhiệm, chính quyền cấp cơ sở có điều kiện chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phát huy tính chủ động trong phục vụ nhân dân trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Chính quyền địa phương chủ động trong tập trung nguồn lực, như hoạt động sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính giúp tinh giản biên chế, giảm chi phí hành chính, tạo điều kiện tập trung nguồn lực cho các hoạt động phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, với việc mở rộng không gian phát triển cho địa phương là tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số. Chính quyền địa phương cấp cơ sở được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công.

Ba là, đồng thời với xây dựng phát triển kinh tế, chính quyền cấp cơ sở thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Tăng cường sức mạnh cho chính quyền cấp cơ sở là thực hiện quản lý địa bàn hiệu quả hơn. Chính quyền cấp cơ sở đảm bảo việc quản lý hành chính, an ninh trật tự trên địa bàn được thống nhất và xuyên suốt. Chính quyền cấp cơ sở chú trọng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, với các hoạt động cụ thể đáp ứng nhu cầu của người dân, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin đúng đắn kịp thời, củng cố niềm tin của người dân vào nhà nước, vào chính quyền địa phương. Khi chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân sẽ củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Bốn là, đảm bảo nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và tổ chức. Trong mọi hoạt động của chính quyền cấp cơ sở cần thiết phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích và luôn quan tâm đến sự hài lòng của người dân. Cấp cơ sở cần chú trọng đến sự đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ và trong những điều kiện có thể cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Chất lượng cung cấp dịch vụ công đối với người dân thể hiện ở những vấn đề cụ thể như: đạt kết quả mong muốn, đảm bảo thời gian theo quy định, chi phí theo quy định và được nghiên cứu chi phí phù hợp đối với các dịch vụ công ích, được phục vụ với thái độ tôn trọng, chuẩn mực, với tinh thần “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Chất lượng dịch vụ công còn thể hiện ở sự hài lòng của người dân, tổ chức vào kết quả, quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ công, trên cơ sở tham khảo, xem xét ý kiến, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thực thi công vụ của cán bộ, công chức từng bước cần được cải thiện trên cơ sở nghiên cứu xem xét áp dụng kỹ thuật quản lý thực thi dựa vào các chỉ số đo lường hiệu quả công việc KPI (Key Performance Indicator). Phương pháp KPI đã được áp dụng khá thành công ở khu vực tư nhân và các doanh nghiệp.

Năm là, tính phục vụ nhân dân thể hiện trong việc tăng cường tính dân chủ và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Trước hết, trong mọi hoạt động của mình chính quyền cấp cơ sở cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, luôn quan tâm tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước ở địa phương, giám sát hoạt động của chính quyền các cấp. Tổ chức và triển khai các hoạt động để thu thập thông tin đa chiều, lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Chính quyền cấp cơ sở chú trọng việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Tăng cường công khai thông tin về hoạt động của chính quyền cũng như các thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận và giám sát hoạt động.

Giải pháp tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền địa phương 02 cấp

Để tăng cường tính phục vụ của chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền địa phương 02 cấp, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trước tiên, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, của tổ chức bộ máy Ủy ban nhân dân (UBND) cấp cơ sở. Triển khai thực hiện Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”, đối với các TTHC, cần thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, thường xuyên rà soát, cắt giảm các TTHC không cần thiết, rườm rà, gây khó khăn cho người dân. Chuẩn hóa, công khai, minh bạch các quy trình, hồ sơ, thời gian giải quyết TTHC, để mọi người dân có thể tiếp cận mọi thông tin cần thiết đối với tổ chức hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, của quá trình thực thi công vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" nhằm từng bước hoàn thiện, phát huy hiệu quả mô hình "một cửa", "một cửa liên thông" tại cấp xã, đảm bảo người dân chỉ cần đến một nơi để giải quyết nhiều loại TTHC.

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm phục vụ hành chính công có nhiệm vụ: Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn để tiếp nhận và trả kết quả TTHC của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Tập trung xây dựng và phát triển chính quyền số với tinh thần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, từng bước đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để người dân có thể thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại. Đồng thời, thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ trên cơ sở từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ liên quan đến TTHC để giảm bớt gánh nặng về giấy tờ cho người dân, tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ hai, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền cấp cơ sở đi đôi với việc nâng cao cơ sở vật chất và điều kiện làm việc. Trong việc tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở cần thực hiện việc công khai thông tin, cần thiết công khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân tại trụ sở UBND xã, trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện truyền thông địa phương. Tổ chức việc xây dựng các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức. Thực hiện việc mở rộng các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân như hộp thư góp ý, đường dây nóng, cổng thông tin điện tử, ứng dụng di động. Nâng cao hiệu quả xử lý các phản ánh, kiến nghị một cách kịp thời, khách quan và minh bạch. Đồng thời, chú trọng việc tăng cường giám sát: phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương cấp cơ sở.

Đối với việc nâng cao cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, cần tập trung vào hai vấn đề chính là từng bước hiện đại hóa trụ sở làm việc và đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hiện đại hóa trụ sở làm việc liên quan đến các nội dung chính như: đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trụ sở UBND xã để tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ và phục vụ người dân một cách tiện nghi, thân thiện hơn. Đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp liên quan đến các hoạt động, cụ thể là: bố trí không gian tiếp dân khoa học, thuận tiện, có đủ các tiện ích cần thiết (ghế ngồi, nước uống, thông tin hướng dẫn...).

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, tập trung nâng cao hoàn thiện các kỹ năng thực thi công vụ. Thực hiện giải pháp này cần chú trọng ba vấn đề chính như sau: 1) Sắp xếp, bố trí công chức hợp lý: rà soát, đánh giá năng lực công chức để bố trí đúng người, đúng việc, từng bước hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng người tài, những người có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. 2) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, như: tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, quy trình thực thi công vụ, kỹ năng hành chính, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người dân. Đảm bảo cán bộ, công chức nắm vững các quy định, chính sách, quy trình để giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác đạt hiệu quả tốt. 3) Chú trọng nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức. Thực hiện đồng thời hai nội dung là tăng cường bồi dưỡng, nhận thức và khuyến khích tự rèn luyện, tự đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức. Thực hiện giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, ý thức trách nhiệm tận tụy phục vụ nhân dân. Xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc.

Nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức cần được nghiên cứu xem xét áp dụng kỹ thuật quản lý thực thi dựa vào các chỉ số đo lường hiệu quả công việc KPI (Key Performance Indicator). Xây dựng và hoàn thiện các quy định, các chính sách cần thiết để triển khai áp dụng KPI trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Thứ tư, tăng cường dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân, tổ chức trong xây dựng chính quyền địa phương cấp cơ sở. Tăng cường dân chủ ở cơ sở cần tập trung vào việc tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các quyết sách của chính quyền địa phương, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Trong điều kiện có thể, định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo chính quyền địa phương cấp cơ sở với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc và giải quyết kịp thời các vấn đề còn tồn đọng.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, tạo sự gắn kết bền chặt giữa chính quyền cấp cơ sở và người dân, tổ chức trên địa bàn trong bối cảnh đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay./. 

-------------------

Ghi chú:

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

(2) https://laodong.vn/thoi-su/khong-co-cho-cho-nguoi-thu-ven-ca-nhan-trung-binh-chu-nghia-trong-co-quan-nha-nuoc-1492847.ldo

Tài liệu tham khảo:

1. Hiếp pháp năm 2013.

2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, năm 2025.

3. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

4. Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

5..https://laodong.vn/thoi-su/khong-co-cho-cho-nguoi-thu-ven-ca-nhan-trung-binh-chu-nghia-trong-co-quan-nha-nuoc-1492847.ldo.

6. https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-tong-ket-viec-thuc-hien-nghi-quyet-so-22216.

7. VTV1, chương trình thời sự, ngày 27/4/2025.

PGS.TS Ngô Thành Can - nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự ,Học viện Hành chính Quốc gia

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Cao Bằng triển khai xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày đăng 18/06/2025
Từ 161 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (08 phường, 14 thị trấn, 139 xã), tỉnh Cao Bằng thống nhất sẽ giảm 105 đơn vị hành chính cấp xã (05 phường, 100 xã, thị trấn), để còn lại 56 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 53 xã, 03 phường. Đây là bước đi mạnh mẽ hướng tới một bộ máy chính quyền tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương

Ngày đăng 18/06/2025
Sáng 18/6/2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Cùng tham dự buổi làm việc còn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Hải Phòng: Công tác nhân sự phải được thực hiện chặt chẽ, khách quan và chọn đúng người, đúng việc

Ngày đăng 18/06/2025
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025; Kết luận số 130 KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, xác định công tác sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khối lượng công việc lớn, phức tạp; để đảm bảo thời gian triển khai thực hiện, UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương đã khẩn trương và quyết liệt thực hiện việc sắp xếp. Ngày 12/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025, theo đó cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 28 tỉnh và 06 thành phố. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Sau khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 3.194,72 km2, quy mô dân số là 4.664.124 người.

Kon Tum nỗ lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 18/06/2025
Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo phương châm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thời gian qua, cùng với việc chuẩn bị cho việc sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi, cấp ủy và chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo hướng cân đối, hài hòa hơn cả về quy mô diện tích và dân số, bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, địa hình, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hải Phòng sẽ có cơ chế và chính sách đặc thù sau sáp nhập xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày đăng 17/06/2025
Ngày 12/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (96,44% tổng số đại biểu Quốc hội) đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Quốc hội đã quyết nghị sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Sau khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 3.194,72km2, quy mô dân số là 4.664.124 người.

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.