Hà Nội, Ngày 18/06/2025

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm di tích lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình - nghiên cứu thực tiễn di tích đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ tại tỉnh Thanh Hóa

Ngày đăng: 13/05/2025   11:11
Mặc định Cỡ chữ

TÓM TẮT
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời và luôn coi văn hóa là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước. Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”(1). Đảng ta cũng xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước, trong đó có nguồn lực di sản văn hóa - sức mạnh mềm đưa đất nước bứt phá, vươn lên. Bài viết tập trung làm rõ nội dung về tầm quan trọng của sức mạnh mềm di tích lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình - nghiên cứu thực tiễn Di tích Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
 


Từ khóa: Di tích lịch sử; sức mạnh mềm; kỷ nguyên vươn mình; Đền thờ Đào Duy Từ; Nghi Sơn, Thanh Hóa

Abstract

Vietnam is a country with a long-standing cultural tradition and has consistently regarded culture as an internal driving force for national development. The 13th National Congress of the Communist Party set forth the task: “Urgently and selectively develop the cultural industry and cultural services, based on identifying and promoting the soft power of Vietnamese culture.” The Party has also identified that, from the 14th Congress onward, the nation will officially enter a new era-a period of national resurgence. This new era requires a fundamental shift in awareness and actions throughout the Party and society to preserve, nurture, and effectively utilize the country’s resources, including cultural heritage-a form of soft power-to foster breakthrough development. This article focuses on clarifying the importance of soft power embedded in historical relics during the era of national resurgence, through a case study of the Hoang Quoc cong Temple dedicated to Dao Duy Tu, located in Nghi Son Town, Thanh Hoa Province.

Keywords: Historical relics; Soft power; Era of national resurgence; Dao Duy Tu Temple; Nghi Son, Thanh Hoa.

1. Di tích lịch sử - sức mạnh mềm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Di tích lịch sử là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (2). Di tích lịch sử văn hóa còn là khái niệm dùng để chỉ các công trình xây dựng hoặc địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu, với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước, với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến, có giá trị tiêu biểu về khảo cổ, kiến trúc của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, di tích lịch sử chính là sức mạnh mềm giúp địa phương bứt phá, vươn lên trong kỷ nguyên mới. Có thể hiểu một cách đơn giản, “sức mạnh mềm” chính là sức mạnh được tạo ra từ các giá trị văn hóa của di tích lịch sử và được “thẩm thấu” vào hệ giá trị đạo đức, tư tưởng, lối sống và truyền thống của con người, là đòn bẩy để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch của địa phương.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhất là sau khi công bố Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy”, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, trong đó di tích lịch sử là một phần quan trọng của di sản văn hóa. Các cơ quan truyền thông và các tổ chức văn hóa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, để giữ gìn những dấu ấn văn hóa trong quá trình phát triển đất nước”. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển và đưa đất nước vươn mình. Và để phát huy được những giá trị di sản văn hóa đó thì cần tập trung vào nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị của di sản.

Thanh Hóa là một tỉnh được ví như hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ với 4 vùng địa lý - kinh tế đặc thù: miền núi, miền biển, đồng bằng và trung du. Cũng như các tỉnh thành phố khác, di sản văn hóa tại Thanh Hóa đã trải qua hàng nghìn năm kết tinh thành giá trị, đã hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh, lan tỏa và trường tồn. Đền thờ Đào Duy Từ nằm tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những di tích lịch sử quốc gia nổi bật, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hoằng Quốc công Đào Duy Từ - một danh nhân văn hóa và chiến lược gia kiệt xuất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử, phát huy giá trị của di tích và khai thác yếu tố văn hóa hiệu quả chính là phát huy tối đa sức mạnh mềm để mỗi địa phương nói riêng và thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa có thể vươn mình, bứt phá vươn lên trong kỷ nguyên mới.

2. Thân thế sự nghiệp của Hoằng Quốc công Đào Duy Từ và thực trạng bảo tồn, phát huy di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Hoằng Quốc công Đào Duy Từ (1572-1634), tên tự là Lộc Khê, sinh năm Nhâm Thân (1572) tại làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, trấn Thanh Hóa (nay là phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông là một nhân vật lịch sử lớn ở thế kỷ XVII ở nước ta, Ông được người đương thời và cả ngày nay ca ngợi là tài năng kiệt xuất, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa. Về chính trị và quân sự: Chỉ trong thời gian ngắn ngủi 08 năm (1626-1634), Đào Duy Từ đã làm nên những kỳ tích phi thường, giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn, mở mang bờ cõi phương Nam, đặt nền móng vững chắc cho Triều Nguyễn, như: Sửa sang chính trị; quan chế; thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao, làm cho đàng trong phồn vinh và hùng cường. Bên cạnh những cống hiến về chính trị, quân sự, Đào Duy Từ còn là một nhà văn hóa lớn. Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tiêu biểu như “Ngọa Long cương vãn”, “Tư Dung văn”, “Bộ Hồ Trướng khu cơ”. Ông chính là khởi tổ của môn hát tuồng, hát bài chòi, đặc biệt là kiệt tác vũ khúc Tuồng Sơn Hậu.

Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ là nhà thực tiễn xuất sắc có tầm nhìn xa trông rộng lạ thường, là bậc kỳ tài muôn thuở với những di sản còn để lại mãi với non sông, đất nước. Với những công lao to lớn của Ông, Nhân dân đã ca ngợi:

“Ngọc uần nang sơn long hổ phục

Châu sinh bạng hải ngạc kình thanh

Thiên thu công đức hoa trai giáp

Vạn cô anh linh trác vĩ thần”.

Đào Duy Từ mất vào ngày 17/10 năm Giáp Tuất (năm 1634), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong tước hiệu “Hiệp đồng mưu đức công thần, Thái Thường Tự Khanh, tước Lộc Khê Hầu”, ban tên Thụy là Trung Lương cho đưa về an táng tại Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sắc lập đền thờ vào năm thứ 9 đời Gia Long, tôn ông là đệ nhất công thần nhà Nguyễn - đưa về Thái miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn. Năm 1939, Đào Duy Từ được vua Bảo Đại truy phong là “Khai Quốc Công Thần, Đặc Tiến Vinh Lộc Đông Các Đại Học Sĩ, Thái Sư Hoằng Quốc Công, Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần”, và truyền cho dân làng Nổ Giáp đem kiệu lên ga Văn Trai đón rước sắc và lập đền thờ Đào Duy Từ.

Bìa cuốn sách “Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ” do hai tác giả Bùi Thị Oanh và Hoàng Khôi biên soạn, xuất bản tháng 10/2024

Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ là di tích lịch sử văn hóa đã được được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 29/QĐVH ngày 30/12/2002. Ngày 29/12/2021, Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Đào Duy Từ được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Điểm du lịch tại Quyết định số 5467/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đền thờ Đào Duy Từ nằm ở phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một di tích lịch sử quan trọng gắn liền với sự nghiệp và công lao của Đào Duy Từ, một danh tướng nổi bật trong lịch sử quân sự và chính trị Việt Nam. Đền thờ Đào Duy Từ được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, trong bối cảnh triều đình Lê - Trịnh đang cần khẳng định và bảo vệ những giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước. Việc xây dựng đền thờ Đào Duy Từ không chỉ nhằm mục đích tôn vinh công lao của ông trong sự nghiệp bảo vệ đất nước mà còn thể hiện sự kính trọng đối với những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Đền thờ Đào Duy Từ đã trở thành một biểu tượng của lòng trung thành, sự dũng cảm và trí tuệ trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngoài đền thờ chính tại phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, thì tại làng Nổ Giáp - xã Nguyên Bình (nay là Tổ dân phố Nổ Giáp 1 - phường Nguyên Bình) còn lưu lại dấu tích ngôi mộ cổ dòng họ Đào.

Ngôi mộ tổ dòng họ Đào tại phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nguồn ảnh do nhóm tác giả chụp ngày 17/10/2024 - Ngày giỗ của cụ Đào Duy Từ)

Đền thờ Đào Duy Từ là một di tích lịch sử và văn hóa có giá trị lớn, không chỉ đối với cộng đồng địa phương mà còn với toàn xã hội. Là nơi thờ cúng Đào Duy Từ - một nhân vật lịch sử quan trọng trong lĩnh vực quân sự, chính trị và văn hóa của Việt Nam, di tích này mang trong mình những giá trị sâu sắc về truyền thống, lịch sử và văn hóa dân tộc. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương và quốc gia.

Theo kết quả khảo sát người dân trong thị xã Nghi Sơn về mức độ cần thiết của Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ đối với đời sống văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương do nhóm tác giả thực hiện, có đến 72,7% người dân đánh giá Di tích là rất cần thiết và quan trọng; 15,8% cho rằng cần thiết; chỉ có 11,5% không đồng ý về mức độ cần thiết của Di tích (trích kết quả điều tra khảo sát của Đề tài NCKH “Nâng cao hiệu quả truyền thông về di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”, tại Học viện Hành chính và Quản trị công). Điều này cho thấy sự đồng thuận rất cao của cộng đồng về vai trò quan trọng của đền thờ Đào Duy Từ trong đời sống xã hội.

Về mặt kinh tế, đền thờ Đào Duy Từ đã trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của thị xã Nghi Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, thương mại và du lịch địa phương. Các hoạt động tại Đền tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử đặc trưng của Thanh Hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Việc đầu tư xây dựng và tôn tạo Đền thờ cũng đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.

Tết trồng cây được tổ chức hằng năm tại đền thờ Đào Duy Từ (nguồn ảnh: UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cung cấp)

Ngoài ra, Đền thờ Đào Duy Từ còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, lịch sử của thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và trân trọng giá trị di sản, từ đó phát huy vai trò làm chủ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Việc duy trì và phát triển các hoạt động truyền thông, lễ hội tại di tích còn góp phần tạo sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử nói chung.

Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn, phát huy sức mạnh mềm của Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ tại Nghi Sơn, Thanh Hóa

Với những công lao to lớn của Hoằng Quốc công Đào Duy Từ, với những giá trị sức mạnh mềm của di tích lịch sử và nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy được giá trị lịch sử đền thờ Đào Duy Từ trong kỷ nguyên vươn mình cả dân tộc, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đền thờ Đào Duy Từ. Các cấp ủy đảng và chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, nghị quyết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh thực hiện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn nói chung và di tích đền thờ Đào Duy Từ nói riêng. Đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch vào chương trình công tác của các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của di sản văn hóa, khai thác các giá trị di sản văn hoá để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về giá trị di sản văn hóa của Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị trong thời kỳ hội nhập thông qua các hệ thống thông tin đại chúng, các hội diễn nghệ thuật, lễ hội truyền thống, xuất bản sách..., đồng thời chú trọng đối tượng là học sinh các cấp học thông qua việc đưa vào chương trình học tập ngoại khóa trong các nhà trường theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và đào tạo. Khai thác các giá trị di sản văn hóa của đền thờ Đào Duy Từ để xây dựng các sản phẩm du lịch trên địa bàn như xây dựng các tour du lịch biển kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng với các hoạt động chủ yếu như tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống, giới thiệu với du khách đến tham quan về truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo...,

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ. Cần chọn lựa, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác bảo tồn di sản văn hóa. Kiện toàn, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu về di sản văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho công chức Phòng Văn hóa; Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, công chức văn hóa - xã hội các xã, phường; thành viên Ban Quản lý di tích đền thờ Đào Duy Từ.

Bốn là, huy động có hiệu quả các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của di tích. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm và xem xét bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách để tu bổ cấp thiết, chống xuống cấp di tích. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thị xã cho công tác quản lý, phục hồi và phát huy giá trị di tích, nhất là công tác trùng tu, tôn tạo di tích, phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể. Từng xã, phường, dòng họ chủ động phát động mọi thành phần kinh tế và toàn dân thực hiện xã hội hoá văn hóa, đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở vật chất.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đền thờ Đào Duy Từ. Cụ thể như nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý di tích; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xâm phạm các di tích lịch sử, văn hóa, các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về di tích; có hình thức động viên, khen thưởng cho những người có công phát hiện, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị tích trên địa bàn thị xã.

Sáu là, đưa nội dung học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các giá trị của di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ ở địa phương vào trong các trường học. Xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa, truyền đạt các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Khuyến khích các trường học đăng ký chăm sóc di tích tại địa phương; học sinh được lựa chọn và bồi dưỡng kỹ năng để trở thành hướng dẫn viên danh dự. Đoàn Thanh niên phát động đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng “Ngày về nguồn” 17 tháng 10 hàng năm (ngày mất của Hoằng Quốc công Đào Duy Từ)./.

CHÚ THÍCH

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.145.

(2) Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi, bổ sung 2009), Khoản 3 Điều 4.

(3) Bùi Thị Oanh, Hoàng Khôi (2024), Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, Nhà xuất bản Thanh Hóa, 28/10/2024.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943). 

(2) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa VIII.

(3) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI.

(4) https://baothanhhoa.vn/le-hoi-den-tho-thai-su-hoang-quoc-cong-dao-duy-tu-khoi-day-net-dep-truyen-thong-van-hoa-long-tu-hao-dan-toc-230362.htm.

(5) https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-con-kiet-xuat-cua-xu-thanh-nbsp-hoang-quoc-cong-dao-duy-tu-22503.htm.

 

TS Nguyễn Thị Trang 
(Khoa Quản lý phát triển xã hội, Học viện Hành chính và Quản trị công)
Cao Thị Hòa, Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Trọng Cường 
(SV Khoa Quản lý phát triển xã hội, Học viện Hành chính và Quản trị công)
 

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày đăng 18/06/2025
Tóm tắt: Để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động sử dụng mọi chiêu bài, trong đó đó là chống phá nền quốc quốc phòng toàn dân và Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những thủ đoạn nguy hiểm được chúng triệt để lợi dụng để chống phá sự nghiệp quốc phòng của đất nước ta, nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền quốc phòng toàn dân và Quân đội. Bài viết làm rõ những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những thiếu sót, sơ hở trong công tác lãnh đạo, quản lý để chống phá nền quốc quốc phòng toàn dân, Quân đội ta của các thế lực thù địch, phản động; từ đó, làm rõ một số nội dung, biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về quốc phòng, Quân đội ta hiện nay, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nền quốc phòng toàn dân và Quân đội ta.

Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn, vệ sinh lao động ở các nhà máy quốc phòng trong tình hình mới

Ngày đăng 17/06/2025
Tóm tắt: Lao động trong Quân đội có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; môi trường và điều kiện làm việc chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố; ngành nghề lao động đa dạng, phức tạp, nhiều công việc dễ xảy ra tai nạn lao động. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn, vệ sinh lao động trong Quân đội nói chung, ở các nhà máy quốc phòng được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm và yêu cầu đặt ra cấp thiết trong tình hình mới.

Yếu tố tác động vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong ở Học viện Chính trị hiện nay

Ngày đăng 14/06/2025
Tóm tắt: Vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong ở Học viện Chính trị là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh trong tình hình mới. Bài viết phân tích sự cần thiết, xác định những yếu tố tác động vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo bên trong ở Học viện Chính trị hiện nay.

Vận dụng tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Dược Hà Nội

Ngày đăng 13/06/2025
Tóm tắt: Xây dựng đội ngũ đoàn viên, thanh niên vững mạnh, có đạo đức, có nhân cách là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Việc vận dụng tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Dược Hà Nội giúp các thế hệ đoàn viên hiểu đúng tư tưởng của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là yêu cầu cấp thiết hiện nay.  

Phát huy ý chí tự lực, tự cường của thanh niên Quân đội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày đăng 13/06/2025
Tóm tắt: Phát huy ý chí tự lực, tự cường của thanh niên Quân đội thực chất là đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta. Bài viết làm rõ vai trò của việc phát huy ý chí tự lực, tự cường của thanh niên Quân đội; thực trạng vai trò của ý chí tự lực, tự cường của thanh niên Quân đội; qua đó, đề xuất một số biện pháp cơ bản phát huy ý chí tự lực, tự cường của thanh niên Quân đội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Tiêu điểm

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025

Sáng 17/6/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp) và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01/7/2025. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đồng chủ trì Họp báo.